Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy lợi thế “đất trăm nghề”

Nguyễn Mai| 01/09/2017 07:13

(HNM) - Nhờ phát huy lợi thế từ làng nghề truyền thống, thành phố đã thu về ngân sách hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Sản xuất hàng gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho thu nhập ổn định. Ảnh: Bá Hoạt


Những “làng nghề nghìn tỷ”

Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nổi danh với nghề điêu khắc, sơn tạc tượng và đồ thờ được TP Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống năm 2001. Hiện toàn xã có gần 500 hộ gia đình với trên 3.000 lao động sản xuất, kinh doanh. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Chí Lợi, ước doanh thu của làng nghề đạt 2.850 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ làng nghề phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao và ngành nghề trở thành “trụ đỡ” của Sơn Đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung, toàn huyện hiện có 51/53 làng nghề với 12 làng nghề được công nhận. Nhiều làng nghề có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, người dân có cuộc sống sung túc. Đơn cử như làng nghề bánh kẹo, dệt kim xã La Phù đạt doanh thu 1.301 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến thực phẩm xã Minh Khai đạt doanh thu 1.061 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng/năm… Ở những làng nghề này, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới đều đạt cao.

Theo kết quả thu thập thông tin các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố của Sở Công Thương Hà Nội vừa công bố, có 297 làng nghề được công nhận với doanh thu ước đạt khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như nhóm sản phẩm may mặc, dệt và thêu ren; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm...

Ở các làng có nghề, thu nhập của người lao động cao hơn so với làng thuần nông, phổ biến ở mức từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Một số làng nghề như làng nhiếp ảnh Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) thu nhập đạt 10,8 triệu đồng/ người/tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng. Ở các làng có nhiều nghệ nhân, thợ có tay nghề cao, thu nhập cao hơn so với thu nhập của địa phương có đông lao động phổ thông. Một số huyện có doanh thu đạt cao như: Hoài Đức đạt 7.013 tỷ đồng/năm; Thạch Thất đạt 3.377 tỷ đồng/năm; Phú Xuyên đạt gần 890 tỷ đồng/năm; Thanh Oai đạt 829 tỷ đồng/năm.

Làng nghề đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn ngoại thành Hà Nội. Chẳng hạn như sản xuất đồ mộc, may ở thôn Hữu Bằng, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) thu hút 10.777 lao động; làng nghề gốm sứ Bát Tràng và Giang Cao thuộc xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) thu hút 6.000 lao động; làng nghề dát vàng, bạc thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) thu hút 7.850 lao động…

Tiếp sức cho xây dựng nông thôn mới

Từ năm 2012, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chương trình OVOP Hà Nội được triển khai đã phát huy được thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phát triển bền vững làng nghề; tạo ra những sản phẩm có nét văn hóa độc đáo riêng của từng xã, từng huyện. Đồng thời, sử dụng nguồn lao động tại chỗ, phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề, thành phố đã quy hoạch, ban hành chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nghề, làng nghề, kết hợp với du lịch, phát triển sản phẩm xuất khẩu, xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề… Tuy vậy, hiện nay, các làng nghề vẫn đang gặp một số khó khăn cần tháo gỡ. Ví như tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), do nằm trong quy hoạch phát triển đô thị trung tâm của Thủ đô thuộc phân khu S2, lại có quy hoạch trục đường Hồ Tây - Ba Vì chạy qua nên công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Cũng do vấn đề quy hoạch, nhiều dự án thành phần trong xây dựng nông thôn mới không thực hiện được. Mặt bằng để sản xuất phát triển chật hẹp kìm hãm sự phát triển của làng nghề, cần quan tâm, tháo gỡ. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm của làng nghề chưa cao; mẫu mã còn đơn điệu, chậm được cải tiến. Sản phẩm làng nghề đa phần chưa có thương hiệu nên sức cạnh tranh yếu. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề vẫn nghiêm trọng. Trong khi đó, việc xử lý ô nhiễm gặp khó khăn do quy mô sản xuất phần lớn là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng chật hẹp…

Những khó khăn trên đang được TP Hà Nội tiếp tục tháo gỡ. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách đã ban hành để khuyến khích phát triển nghề, làng nghề. Đồng thời, thành phố sẽ hỗ trợ tích cực về tài chính, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi cho cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu; tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả cho các làng nghề…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế “đất trăm nghề”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.