Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở

Thanh Thủy| 24/09/2017 07:04

(HNM) - Việc thiếu nội dung hướng dẫn công tác quản lý, tổ chức hoạt động khiến Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng nơi “khát” nhà văn hóa, nơi có đủ cơ sở vật chất nhưng hoạt động lèo tèo, chưa phát huy hết tác dụng hoặc sử dụng chưa đúng chức năng.


Nhà văn hóa thôn Đại Áng, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) được xây dựng khang trang. Ảnh: Bá Hoạt


Lúng túng, thiếu đồng bộ

Bên cạnh niềm vui có tốc độ “phủ sóng” nhà văn hóa thôn, làng nhanh nhất, nhì thành phố (đạt gần 98%), huyện Quốc Oai có nỗi lo không nhỏ là làm sao để quản lý, tổ chức vận hành mô hình này một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh huyện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán cho biết: Không có hướng dẫn cụ thể, địa phương không có cơ sở pháp lý để ban hành quy chế, triển khai phương thức quản lý cũng như tổ chức hoạt động tại các nhà văn hóa, dẫn đến tình trạng quản lý, sử dụng tài sản công, vận hành các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn nhiều lúc còn lúng túng, thiếu đồng bộ; việc vận dụng cơ chế huy động kinh phí cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở địa phương còn hạn chế. Thực tế, đã có không ít nơi để xảy ra tình trạng tranh cãi, bất đồng trong quản lý, sử dụng mô hình thiết chế này”.

Những khó khăn kể trên không chỉ xuất hiện ở huyện Quốc Oai, mà là vấn đề của nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đang phải đối mặt. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường nêu: Chỉ riêng việc chọn người đứng ra trông coi, bảo vệ thiết chế văn hóa đã khó, vì không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên mỗi nơi chọn một kiểu; chế độ bồi dưỡng thì nơi có, nơi không. Hệ lụy của vấn đề này là các địa phương khó chủ động trong tổ chức các mô hình hoạt động; công tác bảo quản trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng không được thực hiện kịp thời, thường xuyên. Chưa kể, khi xảy ra hư hỏng, thất thoát trang thiết bị thì không biết quy trách nhiệm cho ai”.

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế bởi thiếu văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức hoạt động, nhiều nhà văn hóa thôn, làng đang tồn tại một cách lay lắt, hoạt động đơn điệu, nghèo nàn, không ít công trình “để làm cảnh”. Nhiều thiết chế chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có đến 34% số nhà văn hóa ở tổ dân phố tổ chức hoạt động với tần suất mỗi tháng một lần, các hoạt động diễn ra tại đây hầu hết thiếu hấp dẫn.

Phần lớn việc quản lý nhà văn hóa thôn, tổ dân phố do trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm, chủ yếu là quản lý hành chính, chưa nơi nào có người phụ trách chuyên môn riêng, được đào tạo nghiệp vụ quản lý văn hóa bài bản. Kết quả đánh giá việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trong 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn toàn thành phố cũng cho thấy, công tác quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là thiết chế văn hóa - thể thao tại cơ sở chưa đạt hiệu quả cần thiết.

Đổi mới cách thức và nội dung hoạt động


Các em học sinh đọc sách tại Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín). Ảnh: Bá Hoạt


Trước thực tế nói trên, mới đây Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã xây dựng dự thảo Quy chế “Quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của nhà văn hóa - khu thể thao thôn, nhà văn hóa tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội”. Dự thảo Quy chế đang trong giai đoạn trình UBND TP Hà Nội xem xét, trong đó có quy định cụ thể về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức cũng như hướng dẫn chi tiết phương thức quản lý, tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa, hoạt động thể thao, huy động kinh phí, quản lý thu - chi... Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tô Văn Động, sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Quy chế là cơ sở để các địa phương thực hành quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao tại địa bàn một cách thống nhất, hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa thôn, làng thì bên cạnh việc ban hành Quy chế, các ban, ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nhằm nâng cao năng lực tổ chức hoạt động cho các ban quản lý nhà văn hóa, đồng thời có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ phụ trách nhà văn hóa cơ sở để họ chuyên tâm công tác, phát huy năng lực sáng tạo. Trong tương lai gần, cần tách trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ra khỏi vị trí kiêm nhiệm, dành chức danh chủ nhiệm nhà văn hóa cho người có chuyên môn. Có thể mời cán bộ hưu trí tại địa phương đảm nhiệm việc này, nhất là cán bộ có trình độ và có kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoặc sinh viên tốt nghiệp đại học có chuyên môn về văn hóa nhưng chưa có việc làm...

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng, cần có cơ chế chính sách để huy động các lực lượng tham gia đầu tư xây dựng cũng như vận hành nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng, trong đó phân định rõ các hoạt động miễn phí, hoạt động dịch vụ để đa dạng hóa nguồn kinh phí hoạt động cho nhà văn hóa. Tư nhân có thể đầu tư về cơ sở vật chất và sẽ phụ trách các hoạt động dịch vụ, còn ban quản lý nhà văn hóa tận dụng cơ sở vật chất có được từ nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức các hoạt động miễn phí phục vụ người dân. Các hoạt động miễn phí có thể là: Tổ chức thư viện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, các hoạt động sáng tạo theo nhu cầu như hội họa, thơ ca, hát múa dân ca... Các hoạt động dịch vụ bao gồm mở lớp đào tạo năng khiếu theo nhu cầu và lứa tuổi, như đàn, hát, vẽ, múa, kịch, nhiếp ảnh cũng như tập luyện thể thao…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.