Góc nhìn

"Tăng lực" cho thiết chế văn hóa, thể thao

Hà Trang 25/09/2024 - 06:50

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, đầu tư cho phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia vẫn đang thấp so với yêu cầu thực tiễn. Trong đó phải kể đến những bất cập như: Hạn chế về quy hoạch, bố trí quỹ đất, kinh phí xây dựng, công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao; chế độ đãi ngộ, khuyến khích, tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí, không phù hợp, nhất là đối với công nhân, người lao động, miền núi, vùng khó khăn…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên, có thể kể ra như hệ thống chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn, quy chế thực hiện còn chung chung, chưa có sự liên thông, đồng bộ, chưa quan tâm đến tính đặc thù của một số lĩnh vực trong văn hóa. Việc này dẫn đến tình trạng một số địa phương lúng túng trong thực hiện, “mạnh ai nấy làm”. Công tác xã hội hóa được khuyến khích nhưng vì thiếu những hướng dẫn cụ thể nên nhiều nơi có biểu hiện tiêu cực, biến tướng “lách luật” để trục lợi cá nhân. Chế độ tiền lương cũng như đãi ngộ dành cho các cán bộ, nhân viên thuộc lĩnh vực này cũng chưa phù hợp.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.

Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa để có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa. Tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Quy hoạch là cơ sở quan trọng để các địa phương thu hút nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Do đó, các địa phương phải căn cứ theo quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi mới lập quy hoạch của địa phương. Quy hoạch của địa phương không được mâu thuẫn mà phải kế thừa, tích hợp các nội dung được xác định trong các quy hoạch của cả nước. Cần bám sát những giải pháp mang tính đột phá, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; huy động và phân bổ vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế; và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ... Ưu tiên đầu tư cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.

Thực hiện tốt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, chắc chắn chúng ta sẽ định hình được chiến lược phát triển đồng bộ và hiện đại hóa các cơ sở văn hóa, thể thao trên toàn quốc, đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa - thể thao nổi bật của khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tăng lực" cho thiết chế văn hóa, thể thao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.