Cơ sở vật chất văn hóa là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, song, do nhiều nguyên nhân, một số thôn, làng trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa có nhà văn hóa.
Tháo gỡ vấn đề này, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến hết năm 2025. Đây là tin vui với nhiều địa phương, bởi trong thời gian tới sẽ có thêm nguồn đầu tư để hoàn thiện thiết chế văn hóa.
40 thôn chưa có nhà văn hóa
Thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa đã được nhiều địa phương quan tâm, triển khai.
Điển hình như nhà văn hóa thôn Đào Xá (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) có khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, hiện là nơi hội họp, điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao sôi nổi của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Vững, Bí thư Chi bộ thôn Đào Xá cho biết: Từ ngày có nhà văn hóa, nhân dân trong thôn rất phấn khởi. Nhà văn hóa có khuôn viên rộng nên mỗi sớm, chiều có rất đông người dân ra vui chơi, tập thể dục...
Tương tự, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các huyện: Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Quốc Oai, Đan Phượng…, nhiều thôn, làng đã được đầu tư nhà văn hóa khang trang, khuôn viên sạch đẹp, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện còn một số địa phương, do nhiều nguyên nhân, nhà văn hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng dân cư. Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) Lê Đình Bình thông tin, hiện 12 thôn của xã đều có nhà văn hóa, nhưng hầu hết được xây dựng từ trước năm 2008, diện tích nhỏ hẹp (dưới 100m2), thiếu các trang thiết bị... Xã mong muốn được huyện và thành phố quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, toàn thành phố hiện có 98,7% thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao; 40 thôn chưa có nhà văn hóa, khu thể thao. Đáng chú ý trong số đó, có 11 thôn chưa bố trí quỹ đất để xây dựng; 13 thôn đã bố trí quỹ đất nhưng chưa bố trí được kinh phí.
Ngoài ra, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện toàn thành phố mới có 66/404 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã. Cơ bản các xã, thị trấn đã quy hoạch đất xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao, song thiếu vốn nên chưa thực hiện được…
Chính sách hỗ trợ thiết thực
Theo quy định, nhà văn hóa thôn là nơi tổ chức các cuộc họp chính quyền, đoàn thể; nơi sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ; sinh hoạt hè cho thanh, thiếu niên, nhi đồng; tổ chức điểm bầu cử... Nhà văn hóa thôn còn là nơi tổ chức hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước… Đối với trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, đây là nơi diễn ra hoạt động tuyên truyền cổ động, văn nghệ quần chúng, thể dục - thể thao, hoạt động câu lạc bộ; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương...
Trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, thành phố xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng; tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao mỗi giai đoạn được điều chỉnh theo hướng ngày càng cao hơn. Chẳng hạn, ở giai đoạn 2011-2015, chỉ cần có nhà hội họp của thôn là đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; đến nay, đòi hỏi phải có nhà văn hóa đạt chuẩn… Chính vì vậy, các địa phương cần không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Để tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho khu vực nông thôn, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, mới đây, tại kỳ họp thứ 15 (ngày 29-3-2024), HĐND thành phố khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến hết năm 2025. Điểm đáng chú ý trong nghị quyết là ngân sách thành phố sẽ chi hỗ trợ xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ xây dựng thư viện, tủ sách; hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa - thể thao xã, thôn và kinh phí tổ chức giải thể thao xã, thôn...
Về phía các huyện, thị xã, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các địa phương cần nỗ lực hơn trong tháo gỡ khó khăn để hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa. Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa theo hướng phù hợp nhu cầu nhân dân và đúng quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.