(HNM) - Nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu về vốn vay cho phát triển nông nghiệp rất lớn, vấn đề đặt ra là cần tạo sự thông thoáng để nông hộ dễ dàng tiếp cận, phát huy hiệu quả đồng vốn vay.
Bà Phùng Thị Thơ, thôn Vật Lại, xã Vật Lại là một trong những điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện Ba Vì. Với 12ha trang trại tổng hợp đa canh, hằng năm gia đình bà Thơ có thu nhập khá từ trồng trọt, chăn nuôi. Tuy vậy, để mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gia đình bà vẫn gặp không ít khó khăn. "Sản xuất nông nghiệp vốn bấp bênh, nếu vay với lãi suất cao của nhân dân hoặc ngân hàng thương mại thì khó có thể đầu tư phát triển nông nghiệp dài hạn" - bà Thơ chia sẻ. Rất kịp thời, những khó khăn của gia đình bà Thơ và nhân dân xã Vật Lại đã được giải quyết nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố...
Tuy nhiên, không phải ai có nhu cầu cũng được tiếp cận kịp thời nguồn vốn đủ để mở rộng sản xuất. Anh Đặng Văn Quảng, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết: "Gia đình đang cần vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi dài hạn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật trang trại trồng trọt, chăn nuôi nhưng rất khó. Bởi vốn vay ở khu vực nông thôn chủ yếu là ngắn và trung hạn, do vậy chăn nuôi lứa nào xong trả lứa đó rồi lại vay vốn tiếp tục phục vụ sản xuất...".
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, những năm qua, Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ Hỗ trợ nông dân..., tạo điều kiện cho nhiều hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đơn cử, với Hội Nông dân huyện Thanh Oai, hiện tổng dư nợ do Hội quản lý tại các ngân hàng đạt khoảng 600 tỷ đồng với gần 28.000 lượt hộ gia đình vay vốn. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai Nguyễn Hữu Nhất cho hay: Từ nguồn vốn vay ủy thác, nhiều hội viên đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công… Đồng thời, mạnh dạn đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao...
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội còn giúp đỡ hội viên về thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi. Điển hình như huyện Sóc Sơn, việc làm tốt công tác thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản đã mang lại nhiều cơ hội cho nông dân. Hiện có từ 70 đến 80% nông sản an toàn của huyện đã có được đầu ra ổn định, thông qua hợp đồng kinh tế và liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn cho biết: Nhờ làm tốt 2 khâu gồm vốn cho sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản, các mô hình sản xuất chuyên canh trên địa bàn huyện có bước phát triển vững chắc, năm sau mở rộng hơn năm trước. Trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn tiếp tục coi trọng hai khâu này, nhất là vốn ưu đãi qua các nguồn và thị trường nông sản an toàn, làm đòn bẩy nâng cao đời sống nông dân từ nông nghiệp bền vững.
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho hay: Tiếp thu kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cán bộ hội viên nông dân, năm 2018, ngoài thực hiện tốt các chương trình trọng tâm, Hội Nông dân thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ nông dân qua các kênh. Để đồng vốn đến trực tiếp nông dân nhanh chóng, thuận tiện và được sử dụng đúng mục đích: Mỗi cán bộ nông dân phải không ngừng nâng cao trình độ, bám sát đời sống sản xuất của hội viên để nắm bắt và tư vấn kịp thời, tránh tình trạng sản xuất, chăn nuôi ồ ạt, theo phong trào...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.