Trong 94 năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã ghi dấu ấn bằng nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, chủ đề công tác năm 2024: “Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số, liên kết hợp tác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” đã được Hội triển khai mạnh mẽ, tạo động lực mới cho các cấp hội trong hành trình xây dựng nền nông nghiệp bền vững và hiện đại.
Khơi dậy tinh thần tự lực, sáng tạo
Dưới sự chỉ đạo của Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình trọng điểm, đẩy mạnh các phong trào thi đua, như: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới... Các phong trào này đã khơi dậy tinh thần tự lực, sáng tạo của nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học, công nghệ, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Thủ đô.
Năm 2024, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chọn chủ đề: “Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số, liên kết hợp tác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”. Nhờ đó, Hội đã triển khai thành công 72 mô hình chuyển đổi số với sự tham gia của hơn 160.000 hội viên, giúp nông dân tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Nguyễn Huy Bằng chia sẻ: “Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, mà còn mở ra thị trường mới cho nông dân. Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ nông dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng để họ có thể tiếp cận thương mại điện tử dễ dàng hơn”.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố Hà Nội còn tổ chức 82 lớp tuyên truyền và vận động hơn 7.400 hộ nông dân tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ sự hỗ trợ của Hội, nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố đã được công nhận. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mê Linh Lương Toàn Thắng cho biết, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể và ứng dụng chuyển đổi số. Điển hình là sản phẩm cốm của Hợp tác xã Green Farm, xã Tam Đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và trà sen Bách diệp hồng liên đạt OCOP 4 sao.
Sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ, khoa học, công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, mà còn mở rộng thị trường, giúp nông dân Thủ đô hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả.
Tạo động lực và niềm tin cho nông dân
Ngày 20-12-2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TƯ về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Trên cơ sở đó, ngày 13-3-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã triển khai Chương trình hành động số 31-CTr/TU, với quyết tâm đưa Nghị quyết vào thực tiễn, đồng thời tạo động lực và niềm tin cho hội viên nông dân, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Chương trình hành động số 31-CTr/TU đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ: Hằng năm kết nạp thêm 9.000 hội viên mới; đào tạo nghề cho ít nhất 10.000 hội viên và lao động nông thôn; vận động 57.000 hội viên tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 145 tổ hợp tác và 7 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp...
Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tập trung đổi mới phương thức hoạt động, chủ động lắng nghe và kịp thời giải quyết những khó khăn của hội viên. Hội cũng xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng trên toàn thành phố. Sau gần một năm triển khai, Hội đã đạt nhiều thành quả nổi bật, đã vận động thành lập được 267 tổ hợp tác với 2.640 thành viên, bao gồm các tổ hợp tác trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, thành lập được 15 hợp tác xã với 167 thành viên hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, Hội đã phối hợp tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông cho 1.500 cán bộ và hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại các huyện: Gia Lâm, Phúc Thọ, Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ và Đông Anh. Nhiều huyện đã xây dựng được các mô hình kinh tế hợp tác, phát triển thương hiệu OCOP và ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Hội Nông dân thành phố cũng chú trọng hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, với 451 dự án được giải ngân gần 220 tỷ đồng, giúp 5.382 hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế tập thể. Hơn 133.000 hội viên đã được tập huấn khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cây ăn quả và phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hội Nông dân thành phố tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại và thúc đẩy nền nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa
Không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động
Công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội luôn được Hội Nông dân thành phố Hà Nội chú trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn. Với 18 tổ chức Hội cấp huyện, thị xã và hơn 466.403 hội viên, Hội đã khẳng định quy mô rộng lớn và sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống nông thôn Thủ đô. Các hội viên đang sinh hoạt tại 406 tổ chức cơ sở hội, cùng với 2.463 chi hội và 4.597 tổ hội ở các cấp, bảo đảm việc truyền đạt thông tin và triển khai hoạt động hiệu quả đến tận cơ sở.
Hội Nông dân thành phố cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhằm nâng cao trình độ và chất lượng hoạt động. Phương thức hoạt động của Hội không ngừng được đổi mới, thích ứng với yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Nhờ đó, số lượng cơ sở hội đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc ngày càng nhiều và không có cơ sở nào hoạt động yếu kém.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững
Hội Nông dân huyện Ứng Hòa không chỉ ghi nhận và tổng kết các mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, mà còn nỗ lực nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác điển hình. Hội đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các mô hình liên kết này, giúp thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững. Nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đã được biểu dương và khen thưởng, tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào tiếp tục lan tỏa.
Hội Nông dân huyện cũng chú trọng hỗ trợ hội viên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới và hiệu quả. Những mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị được thúc đẩy mạnh mẽ, bảo đảm tính bền vững và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Hội đã kết nối các doanh nghiệp với hợp tác xã và các hộ nông dân; đồng thời xây dựng mạng lưới sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Điển hình như Hợp tác xã Chăn nuôi và Chế biến cá rô đồng Minh Quân đã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; hay cơ sở sản xuất và kinh doanh chả vịt Thúy Mạnh cũng đã gặt hái thành công.
Ngoài ra, Hội Nông dân Ứng Hòa còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản. Điều này giúp hội viên nắm bắt xu hướng mới, quản lý sản xuất hiệu quả hơn và mở ra nhiều cơ hội phát triển trong thời đại số hóa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Hiếu
Tiên phong trong chuyển đổi số
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và Hội Nông dân huyện Phú Xuyên, nông dân Phú Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hội nhập vào nền kinh tế số, khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc chuyển đổi số nông nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự bùng nổ của thương mại điện tử, nông dân xã Phú Yên không chỉ dừng lại ở sản xuất, mà còn chủ động khai thác tiềm năng từ các nền tảng số để mở rộng thị trường. Thay vì bán sản phẩm theo phương thức truyền thống, các hộ nông dân đã nắm bắt cơ hội từ việc bán hàng trực tuyến, tiếp cận các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm da giày, thu hút khách hàng trong và ngoài nước.
Hội Nông dân xã Phú Yên đã tích cực tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh, giúp nông dân nắm bắt được những kỹ năng cần thiết để vận hành các cửa hàng trực tuyến, xây dựng kênh tiếp thị hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.