(HNM) - Là biểu tượng văn hóa gắn với đời sống người dân, áo dài truyền thống Việt Nam qua nhiều thăng trầm, biến đổi, vẫn bảo đảm tính kế thừa, góp phần tôn lên cốt cách, tinh thần dân tộc. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã, đang đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá, tạo hiệu ứng lan tỏa về vai trò, vị trí của loại trang phục này. Qua đó nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm cộng đồng gìn giữ, phát huy giá trị áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.
Lan tỏa giá trị văn hóa của áo dài truyền thống
Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long vừa phối hợp với Tạp chí Tinh hoa đất Việt tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật “Áo dài của chúng ta” tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chương trình giới thiệu hơn 600 mẫu áo dài khai thác những nét đẹp văn hóa đặc trưng của nhiều quốc gia trên những chất liệu truyền thống, thân thiện với môi trường của Việt Nam, như: Tơ, lụa, đũi, gai... Tham gia chương trình là 15 nhà thiết kế, hơn 400 người mẫu, trong đó có nhiều khách mời đặc biệt là phu nhân đại sứ các nước: Italia, Ấn Độ, Lào… tại Việt Nam.
Đến dự chương trình với tư cách là người mẫu trình diễn trang phục, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, một trong những “biểu tượng” của điện ảnh cách mạng Việt Nam cho biết, bà rất xúc động khi được góp phần vào việc tôn vinh, quảng bá trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến nhân dân và bạn bè quốc tế.
Trước đó, giữa tháng 1-2021, một chuỗi hoạt động, gồm: Triển lãm, trình diễn, hội thảo, tọa đàm… về trang phục áo dài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam cũng được tổ chức tại nhiều điểm di tích lịch sử, không gian giao lưu văn hóa của khu phố cổ Hà Nội. Đáng chú ý, các hoạt động này được tổ chức theo dạng “mở”, khai thác tối đa khả năng tương tác với công chúng, nhằm lan tỏa giá trị của áo dài trong đời sống xã hội.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, những hoạt động ý nghĩa như vậy vẫn thường xuyên được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân; khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị áo dài trong đời sống đương đại. Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) chia sẻ: “Các chương trình giới thiệu, quảng bá ở phố cổ Hà Nội giúp tôi hiểu thêm về lịch sử cũng như những bước thăng trầm của áo dài Việt Nam”.
Không chỉ có các hoạt động nêu trên, thời gian qua, cộng đồng rất quan tâm, chú trọng tới việc tôn vinh, quảng bá áo dài truyền thống. Bằng nhiều chương trình, sự kiện sôi nổi, rộng khắp ở Hà Nội cũng như trên cả nước, như: Lễ hội áo dài; chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”; Tuần lễ áo dài Việt Nam trên toàn quốc từ ngày 1-3 đến 8-3-2021…, đã tạo được sức lan tỏa lớn, góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của áo dài Việt Nam. Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho rằng, những hoạt động đó, không chỉ chuyển tải giá trị và thông điệp văn hóa, mà còn góp phần giáo dục thẩm mỹ, lòng tự hào dân tộc, lối sống thanh lịch cho thế hệ trẻ.
Đẩy mạnh quảng bá áo dài ra thế giới
Cùng với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo tồn di sản áo dài, những hoạt động cụ thể, thiết thực nêu trên cũng nằm trong lộ trình hiện thực hóa mong muốn, đưa di sản áo dài truyền thống của Việt Nam quảng bá với thế giới, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh.
Để làm được điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài cho rằng, cần nhận diện, đánh giá đầy đủ về giá trị của áo dài Việt Nam; xác định cộng đồng chủ thể, trung tâm di sản, vùng lan tỏa để có cách tiếp cận nghiên cứu, quản lý, phát huy giá trị phù hợp.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Hương, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cần xây dựng một bộ quy chuẩn về thiết kế áo dài, là cơ sở, hệ quy chiếu cho những sáng tạo, cách tân phù hợp, hiệu quả. Việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài cũng cần phải trở thành chủ trương, hành động cấp quốc gia, chứ không dừng lại ở những hoạt động nhỏ lẻ của các tổ chức, cá nhân.
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn cho biết, Bộ đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống, tạo thành chuỗi hoạt động có chiều sâu và sức lan tỏa lớn.
“Các cơ quan, đơn vị có liên quan đang xem xét, công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO; đồng thời, nghiên cứu một cách thấu đáo về trang phục áo dài, để tìm ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản...”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.