(HNM) - Giai đoạn 2005-2010, TP Hà Nội đã thực hiện phong trào thi đua yêu nước bằng cách cụ thể hóa nội dung trên tất cả các lĩnh vực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kinh tế - xã hội của từng năm, do đó phong trào đã được các ngành, các cấp triển khai đồng loạt với những cách làm phong phú phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị, lĩnh vực, kết quả đạt được khá rõ nét, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội đã giữ được mức tăng trưởng dương, vững vàng cùng đất nước vượt qua suy thoái kinh tế.
Công nhân Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất thi đua sản xuất. Ảnh: Trung Kiên |
Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế
Giai đoạn 2006-2010, bước phát triển mới trong kinh tế của Thủ đô được đánh dấu bằng việc thành phố đã xây dựng mới 5 khu công nghiệp có diện tích 964,9ha, mở rộng 2 khu công nghiệp diện tích khoảng 112ha và đang xây dựng mới thêm 21 cụm công nghiệp với diện tích 726,15ha. Bên cạnh đó, ngành xây dựng tăng trưởng liên tục với giá trị tăng thêm bình quân tăng 10,3%/năm đã có tác động lan tỏa trong thu hút đầu tư phát triển và thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất và dịch vụ. Nhiều đơn vị vươn lên, khẳng định mình, đóng góp chung vào sự phát triển của Thủ đô như: Tổng Công ty Hạ tầng và Đô thị, Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất, Công ty Điện tử Hà Nội…
Thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy về "Phát triển kinh tế ngoại thành, xây dựng nông thôn mới", ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các huyện ngoại thành đã phát động thi đua thực hiện "Dồn điền, đổi thửa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", xây dựng mô hình "Hộ nông dân SXKD giỏi, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, từng bước hiện đại nông thôn".
Giai đoạn này, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 1,75%/năm; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả, diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng. Một số huyện đã tích cực đầu tư xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có năng suất và chất lượng cao như: Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh… nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Trong 3 năm (2007-2009), toàn TP có 290.631 hộ đạt danh hiệu thi đua nông dân SXKD giỏi. Đến nay, toàn TP có 3.207 trang trại, trong đó có 1.223 trang trại chăn nuôi; 204 trang trại trồng trọt; 1.720 trang trại SXKD tổng hợp; 603 trang trại thủy sản và 5 trang trại lâm nghiệp. Ngành thương mại - du lịch - dịch vụ thi đua cải tiến lề lối làm việc, phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách trong và ngoài nước, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 22,3%/năm và liên tục vượt dự toán được giao hàng năm.
Duy trì phát triển bền vững
Phong trào thi đua phát triển sâu, rộng trong các ngành, các đơn vị đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIV đề ra. Kinh tế của TP đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,4%/năm, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước; trong 4 năm 2006-2009 thu ngân sách tăng bình quân 22,74%/năm. Đây cũng là giai đoạn TP liên tục được Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước khen thưởng: Năm 2005 được tặng Cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu 64 tỉnh, TP trong cả nước; năm 2006, 2008, 2009 được tặng Cờ Thi đua Chính phủ; năm 2006 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì tổ chức phục vụ tốt Hội nghị cấp cao APEC 2006.
Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH, kinh tế tri thức, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt, TP có kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề gắn với phát triển du lịch, xuất khẩu. Cùng với việc phát động thi đua, ký giao ước thi đua giữa các đơn vị, TP tiếp tục duy trì việc kiểm tra chéo để nâng cao chất lượng thi đua, đẩy mạnh việc phát hiện, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến; đồng thời, chú trọng việc động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong lĩnh vực kinh tế-xã hội thông qua các danh hiệu "Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", "Cúp Thăng Long", "Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ", "Công dân Thủ đô ưu tú".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.