Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện sán làm tổ trong đầu người suốt 4 năm

Theo Tuấn Anh| 21/11/2014 14:42

Một con giun sở hữu bộ gen dài bất thường đã sống trong đầu, gần bộ não của một người đàn ông Anh suốt 4 năm, khiến khổ chủ điêu đứng cả thời gian dài, theo một nghiên cứu mới.

Nghiên cứu do Viện Wellcome Trust Sanger đã hé lộ các bí mật di truyền của con giun ký sinh có nguồn gốc từ vùng Viễn Đông. Đó là một con sán dây có tên gọi khoa học là Spirometra erinaceieuropaei, mà không người nào muốn đón tiếp.

Ảnh chụp cho thấy con sán giây làm tổ trong đầu người đàn ông Anh. Ảnh: Daily Mail


Sán dây gây ra bệnh sparganosis, đồng nghĩa với chứng viêm của các mô trong cơ thể nhằm phản ứng với ký sinh trùng. Khi điều này xảy ra trong bộ não, nó có thể dẫn tới các cơn tai biến, suy giảm trí nhớ và đau đầu. May mắn là, người đàn ông Anh đã sống sót và hồi phục tốt sau ca phẫu thuật loại bỏ sán.

"Chúng tôi không mong đợi bắt gặp dạng nhiễm trùng này ở Anh, nhưng việc di chuyển khắp toàn cầu đồng nghĩa với việc những con ký sinh trùng không quen thuộc đôi khi cũng xuất hiện", Effrossyni Gkrania-Klotsas, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Khoa Các bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Addenbrooke (Anh), nói.

Theo các chuyên gia, mọi người có thể vô tình nhiễm sán khi ăn các động vật giáp xác nhỏ nhiễm bệnh ở sông hồ, thịt sống của bò sát và động vật lưỡng cư hoặc một loại thuốc đắp chữa sưng mắt truyền thống của người Trung Quốc.

Trước khi con sán dài gần 1,3cm được các bác sĩ loại bỏ thành công khỏi đầu bệnh nhân Anh, nó đã di chuyển hơn 5cm từ bên phải sang bên trái bộ não, khiến ông thường xuyên bị đau đầu. Các bác sĩ đã bảo quản con sán sau đó để giải trình tự bộ gen của nó.

May mắn cho bệnh nhân là, trình tự ADN của gen cho thấy, con vật ký sinh thuộc loại lành tính hơn trong số 2 loại sán sparganosis đã biết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sốc nặng về kích cỡ bộ gen của nó.

Bộ gen của sán Spirometra erinaceieuropaei hóa ra dài tới 1.26Gb, hơn gấp 10 lần so với bộ gen của các loại sán dây khác và bằng 1/3 kích thước bộ gen của người. Các chuyên gia nghi ngờ, một phần của điều này bắt nguồn từ sự gia tăng số lượng gen có thể giúp ký sinh trùng phá vỡ các protein và xâm nhập vào vật chủ, cũng như thực tế rằng bộ gen có nhiều chỗ lặp đi lặp lại hơn bộ gen của các loài sán dây khác.

Con sán cũng được phát hiện sở hữu một bộ sưu tập lớn các cơ vận động phân tử nhằm dịch chuyển các protein xung quanh tế bào của nó, có thể hậu thuẫn những thay đổi lớn về hình dạng cơ thể và sự thích nghi môi trường mà sán trải qua trong vòng đời phức tạp của nó.

"Đối với nhóm sán dây này, đây là bộ gen đầu tiên được giải trình tự và cho phép chúng ta có một số phỏng đoán về tác dụng của các loại thuốc đã biết. Trình tự gen ám chỉ, loài ký sinh trùng này có khả năng đề kháng tự nhiên với albendazole, một loại thuốc chống sán hiện hành. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc mới nhằm trị những dạng sán dây khác có thể được thử nghiệm để chống lại nó", Matt Berriman, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện sán làm tổ trong đầu người suốt 4 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.