(HNMO) - Ngày 9-4, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thông tin về chuyến lặn thám hiểm sông ngầm trong hang động Sơn Đoòng.
Buổi họp báo quốc tế giới thiệu những khám phá mới về hang Sơn Đoòng. |
Chuyến thám hiểm của chuyên gia hang động Howard Limbert cùng các thành viên Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã mở ra một trang mới về hệ thống hang động ngầm nằm sâu hơn mực nước biển ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nhóm thám hiểm gồm 5 chuyên gia lặn hang động đã có một chuyến thám hiểm, lặn sâu để tìm hiểu kỹ hơn bên trong những dòng sông ngầm của hang Sơn Đoòng.
Tại buổi họp báo, nhóm thám hiểm cho biết, mục tiêu của chuyến khám phá lần này là tìm ra đoạn hang ngầm nối giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung cách nhau 600m. Quá trình thám hiểm thực tế, các chuyên gia đã phát hiện ra hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu 60m, càng xuống sâu càng mở rộng. Phát hiện này khiến hang Sơn Đoòng trở nên bí ẩn hơn với các chuyên gia và các nhà khoa học. Độ sâu của hang Sơn Đoòng tăng lên 500m tính từ cửa hang và đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng.
Sơn Đoòng hiện mới khảo sát hang khô, riêng hệ thống sông ngầm vẫn là điều bí ẩn. Ban đầu, các chuyên gia cho rằng, kết quả lặn khảo sát sẽ chứng minh trong Sơn Đoòng có một dòng sông kết nối với hang Thung, mở ra cơ hội thám hiểm sông ngầm của hệ thống hang động này. Tuy nhiên, với khám phá mới, các chuyên gia nhận định, còn nhiều điều bí ẩn chưa có lời giải vẫn nằm dưới hệ thống sông ngầm của hang.
Hệ thống sông ngầm trong hang Sơn Đoòng vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn đối với các nhà thám hiểm. |
Ông Jason Mallison, chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh cho biết, nhóm đã thực hiện đợt lặn ở độ sâu 77 m để tìm kiếm lối thông qua hang Thung, nhưng vẫn chưa thể tìm thấy điểm nối mà độ sâu của hang vẫn tiếp tục sâu hơn. Đến độ sâu 93m, nhóm chuyên gia không thể dùng bình lặn nén khí thông thường. Nhóm chuyên gia đã phải dùng bình khí heli để có thể lặn sâu 120 - 200 m, tuy nhiên vẫn không thể nhìn thấy hết quy mô hang ngầm.
Ngoài dòng sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng thì các chuyên gia lặn hang động còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc bên trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và tại độ sâu 74 m các chuyên gia buộc phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn.
Như vậy, theo nhận định của các chuyên gia lặn hang động lần này, hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha - Kẻ Bàng được chia thành 3 tầng, hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu hơn 93 m.
Trả lời câu hỏi của báo chí, các chuyên gia cho biết, lý do chọn thời điểm tháng 3 và tháng 4 để thám hiểm hang Sơn Đoòng, bởi đây là thời điểm mực nước sông xuống thấp, nước trong hang tương đối ấm (25 độ C) và có tầm nhìn dưới nước tốt.
Với kết quả khảo sát của các nhà thám hiểm tại hang Sơn Đoòng có thể thấy, hệ thống hang lớn nhất thế giới này vẫn còn nhiều bí ẩn cần có thời gian khám phá thêm.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, mới chỉ có 30% khu vực rừng và dãy núi đá vôi được khảo sát. Kết quả của chuyến thám hiểm, khảo sát mới nhất cho thấy hệ thống hang động tại Quảng Bình vẫn còn nhiều bí ẩn và là tiềm năng cho phát triển du lịch mạo hiểm trong thời gian tới.
Hang Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phát hiện vào năm 2009. Hang nằm tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Hệ thống hang động này được hình thành khoảng 2 - 5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Hang có chiều rộng 175 m, cao hơn 200 m, chiều dài lên tới gần 9 km, ước tính dung tích hang là 38,5 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã khai thác tour du lịch mạo hiểm tại hang Sơn Đoòng, nhưng chủ yếu dành cho những người có tiềm lực kinh tế và sức khỏe tốt. Người tham gia phải chinh phục được thử thách leo lên bức tường đá vôi cao 95 m, còn gọi là “Bức tường Việt Nam”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.