(HNMO)- Trước lo ngại về lộ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân hiện nay còn chậm, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định quyết tâm phấn đấu đến 31-12-2013 sẽ cố gắng cấp đạt đến 85% theo đã cam kết.
Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề: Trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản (vàng, cát,…) gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang |
Trả lời chất vấn của các ĐB về việc cấp phép, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ về khai thác tài nguyên, khoáng sản thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, rà soát 803 hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản tại 39 tỉnh, thành phố.
Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy từ ngày 1-7-2011 đến ngày 31-12-2012 có 57 địa phương đã cấp 957 giấy phép, trong đó có 275 giấy phép thăm dò khoáng sản và 682 giấy phép khai thác khoáng sản. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản của các địa phương vẫn còn nhiều sai phạm như không đúng thẩm quyền, cấp phép khi chưa có quy hoạch khoáng sản.
"Trách nhiệm trong việc để xảy ra cấp giấy phép sai chủ yếu của các địa phương. Trong đó có địa phương cố tình làm trái. Bộ TNMT cấp rất ít giấy phép và làm nghiêm theo quy định pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra Bộ có tiến hành nhưng chưa thường xuyên. Để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tương đối nhiều ở các địa phương Bộ xin nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh vai trò kiểm soát tại các địa phương là chính. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến nhắc các chủ tịch tỉnh cần tăng cường hơn công tác kiểm soát việc này" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời.
Trả lời chất vấn của ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) về việc Bộ đã triển khai công bố khu vực khai thác khoáng sản nhỏ lẻ cho các địa phương đến đâu? Bộ trưởng cho biết các địa phương đề nghị lên rất nhiều song việc công bố hết sức kiềm chế bởi càng đào bới bao nhiêu, càng thiệt hại bấy nhiêu. Sẽ có đợt công bố thứ 2 nhưng số lượng sẽ hạn chế.
Chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) nêu câu hỏi: "Tại sao lại có sự chậm chễ trong lập quy hoạch, công bố khu vực có khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán như vậy?". Bộ trưởng tiếp tục trả lời trên tinh thần ý kiến chỉ đạo chung của chính phủ trong việc cấp phép phải hết sức hạn chế, xem xét tòan diện nhà đầu tư, người dân được gì và trên hết phải nghĩ đến bảo vệ môi trường bền vững.
Nhiều ĐB nêu chất vấn tỏ ra quan ngại về lộ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức cá nhân hiện nay còn chậm, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm phấn đấu đến 31-12-2013 sẽ cố gắng cấp đạt đến 85% theo đã cam kết.
ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu chất vấn về vấn đề khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và đặc biệt là cử tri đang sống tại địa phương có tài nguyên kháng sản không những không được hưởng lợi mà còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết vấn đề hưởng lợi của người dân cần được xem xét. Bộ đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sảng phải ký quỹ môi trường để phục hồi, tái tạo môi trường, trả lại mặt bằng cho địa phương, bảo đảm cuộc sống ổn định người dân.
Trả lời chất vấn của ĐB Võ Thị Hồng Thuận (Bạc Liêu) về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai khá bức xúc, gay gắt và kéo dài, Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn của địa phương trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan đến nguồn gốc đất đai.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
Cũng liên quan đến nội dung này, cuối phiên chất vấn, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo thêm về tiến độ giải quyết 528 vụ khiếu kiện kéo dài, trong đó có 422 vụ liên quan đến đất đai (chiếm 80%)
Thanh tra CP cùng các bộ ngành liên quan đã ban hành kế hoạch thống nhất, thành lập 28 tổ công tác, triển khai từ tháng 6-2012. Đến tháng 9-2012 rà soát, phân loại vụ việc, cấp giải quyết. Từ tháng 10-2012 đến tháng 6-2013, tiến hành bàn phương án giải quyết, đối thoại đến từng vụ việc cụ thể. Kết quả là đến hết tháng 6 năm nay đã giải quyết được 465 vụ, đạt 88%.
63 vụ còn lại đều là những vụ việc rất phức tạp, nhiều vụ việc liên quan đến cơ chế, chính sách, cần phải có thời gian nghiên cứu đầy đủ và thống nhất cao giữa các bộ, ngành TƯ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.