Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm

Hồng Sơn| 04/07/2020 16:56

(HNMO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 4235/TTr-BKHĐT về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình cấp thẩm quyền thông qua phương án phân vùng thời kỳ 2021-2030 để xây dựng quy hoạch; nghiên cứu phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tạo nguồn thu để lại cho các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, nhất là địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào tăng trưởng cả nước… Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp xây dựng các đô thị lớn và siêu lớn trong vùng kinh tế trọng điểm, trở thành các thành phố hiện đại, “đáng sống”; trong đó có các giải pháp quản lý “thành phố trong thành phố”, “đô thị thông minh”, “đô thị xanh”…, gắn với nguồn lực ngoài ngân sách.

Các địa phương huy động đa dạng nguồn lực, thu hút có chọn lọc FDI, tranh thủ vốn ODA và đầu tư tư nhân để triển khai dự án có tính trọng điểm, đột phá, thúc đẩy liên kết vùng…

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tập trung phát triển đào tạo chất lượng cao, ngành điện tử, công nghệ thông tin, y tế chuyên sâu, công nghiệp phụ trợ. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tập trung vào du lịch, lắp ráp ô tô, công nghiệp hóa dầu, dịch vụ cảng biển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; tối ưu hóa giá trị nông nghiệp hơn sản lượng; công nghệ giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông, thủy sản.

Hiện nay, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 24 địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm chiếm tỷ lệ 70% trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Mặc dù vậy, các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để thực sự “mở khóa” các cơ hội phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, nguồn thu ngân sách chưa bền vững; cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.