Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Gia Bảo| 17/04/2023 06:51

(HNM) - Các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều lợi thế để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn. Tuy nhiên, với nhiều “điểm nghẽn” đang tồn tại, các ngành liên quan và các địa phương trong vùng đang nỗ lực khơi thông nhằm đưa ngành logistics phát triển đúng kỳ vọng.

Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) được đánh giá là cảng container nhộn nhịp nhất tại Việt Nam.

Nhiều rào cản

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang; đóng góp 35% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), hơn 40% tổng thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đặng Vũ Thành thông tin: “Hạ tầng giao thông thiếu tính kết nối và đồng bộ đã gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí logistics của các doanh nghiệp; bất cập về cơ chế chính sách…, khiến ngành logistics chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có”.

Cụ thể hơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng phân tích, hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và được định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối khu vực và quốc tế. Thế nhưng, hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống Vành đai 2, 3 và 4 chưa hoàn chỉnh; đường bộ đến cụm cảng biển Cát Lái lớn nhất nước thường xuyên tắc nghẽn; sân bay Tân Sơn Nhất quá tải... khiến việc lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ một góc độ khác, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú nêu, thành phố hiện có hơn 1.500 nhà kho, đa số có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận. Theo đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ đầu tư 7 trung tâm logistics phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, việc kêu gọi đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư đều khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh Đặng Minh Phương cho biết, trong quý I-2023, ngành dịch vụ vận tải kho bãi có mức tăng trưởng âm đã phản ánh khó khăn chung của kinh tế và của các doanh nghiệp ngành logistics. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp logistics hiện có quy mô vừa và nhỏ; các trung tâm logistics, ICD (cảng nội địa), trung tâm phân phối phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ... cũng tạo thêm nhiều khó khăn cho hoạt động logistics.

Tìm giải pháp đồng bộ

Để ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương trong vùng cần tạo được sự liên kết chặt chẽ về kết nối hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các bên.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics (Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) Đỗ Xuân Minh kiến nghị, cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển theo hướng vận tải xanh. Theo đó, cần xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại thành phố Hồ Chí Minh đối với vận tải thủy, thúc đẩy tính liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành phố có thuận lợi kết nối bằng đường thủy nội địa, vừa khai thác thế mạnh điều kiện tự nhiên của vùng Nam Bộ, vừa "chia lửa" cho hệ thống đường bộ đang quá tải.

Còn đại diện Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm đối tượng được áp dụng miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển tại thành phố để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, kiến nghị thành phố cần có các chính sách, hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, các công ty công nghệ phát triển các ứng dụng, giải pháp về chuyển đổi số cho ngành logistics.

Về phần mình, tỉnh Bình Dương cũng đang nỗ lực chủ động phát triển hạ tầng logistics, để vừa phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, vừa góp thêm hạ tầng dịch vụ cho vùng. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho hay, từ nay đến năm 2030, Bình Dương sẽ tăng cường thu hút đầu tư để phát triển nhanh hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics, phấn đấu trở thành trung tâm vệ tinh, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đặng Vũ Thành cho rằng, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần sớm triển khai các dự án nạo vét hệ thống kênh, rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics.

Về phía cơ quan chức năng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, Cục Hải quan đã và đang đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, góp phần khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không trên địa bàn. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.