Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phản biện xã hội về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Hiền Phương| 15/06/2022 14:18

(HNMO) - Ngày 15-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.

Quang cảnh hội nghị.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

Theo dự thảo Nghị quyết, đề xuất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 tăng so với Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND 160%, cụ thể: Đá làm vật liệu xây dựng thường từ 5.000 đồng/m3 lên 8.000 đồng/m3; các loại đá khác (đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan) từ 3.000 đồng/tấn lên 4.800 đồng/tấn; các loại cát khác (cát san lấp, cát xây dựng…) từ 4.000 đồng/m3 lên 6.400 đồng/m3; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, gói từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3; cao lanh từ 7.000 đồng/m3 lên 11.200 đồng/m3; nước khoáng thiên nhiên từ 3.000 đồng/m3 lên 4.800 đồng/m3; than bùn từ 10.000 đồng/tấn lên 16.000 đồng/tấn.

Đối với trường hợp khoáng sản không có trong danh mục nêu trên thì áp dụng mức thu tối đa theo Nghị định số 164/NĐ-CP ngày 24-12-2016 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã khẳng định việc ban hành quyết định mới về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố là cần thiết. Hiện nay, nhiều hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng ngày càng nhiều đến môi trường, môi sinh, đời sống của nhân dân. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản đáp ứng đòi hỏi của việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần giải quyết những bất cập hiện nay trong hoạt động khai khoáng, bảo vệ môi trường tốt hơn. Dự thảo đã có sự tham gia đóng góp của các sở, ngành có liên quan của thành phố và các cơ quan chuyên môn của Trung ương nên việc điều chỉnh lần này là phù hợp, có tính khả thi và không tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến, mặc dù thành phố đã thực hiện thu phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản nhưng so với những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội, tốc độ, mức độ khai thác, nhu cầu vật liệu, giá vật liệu và tác động của dịch bệnh Covid-19… chưa tương xứng.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu, hoàn thiện tên, bố cục, nội dung, có sự thống nhất giữa các văn bản liên quan; đồng thời phải rõ vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức... Cùng với đó, việc quy định mức phí ngoài đóng vào ngân sách còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, khuyến khích công nghệ khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động tới môi trường.

Đối với mức tăng của 8 loại khoáng sản, đề nghị tiếp tục nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, từ nhu cầu tới mức độ khan hiếm... để xác định mức tăng cho từng loại, tiến tới hạn chế khai thác các khoáng sản có tác động rất lớn tới sự phát triển của thành phố. Bên cạnh đó cần rõ trách nhiệm cơ chế quản lý và thẩm quyền chế tài xử lý vi phạm; khuyến khích sử dụng vật liệu khác để thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phản biện xã hội về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.