Ngày 7-2, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài.
Sinh viên đại học Khoa Hóa – Sinh (Trường Đại học Tây Bắc) trong giờ thực hành môn Sinh học. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, số lượng công trình nghiên cứu tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Số lượng công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Trên phương diện hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam còn hạn chế, không đồng đều giữa các chuyên ngành. Lĩnh vực khoa học xã hội có rất ít công bố ra quốc tế.
Giáo sư, bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Tạ Thành Văn, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, đào tạo sau đại học của nước ta không gắn kết với nghiên cứu khoa học. Kinh phí sau đào tạo đại học cũng không gắn kết với kinh phí nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các trường đại học không phải là cái nôi của khoa học, công nghệ. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ các thạc sỹ, tiến sỹ thấp hơn nhiều so với mặt bằng các nước trong khu vực, gây hậu quả xấu và lâu dài cho nền kinh tế nước nhà. Kinh phí nghiên cứu của học viên sau Đại học phải tính đúng, tính đủ và phải chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm giao cho các cơ sở đào tạo theo chỉ tiêu tuyển sinh.
Giáo sư Tạ Thành Văn kiến nghị cần thành lập Trung tâm quốc gia dự báo nguồn nhân lực quốc gia. Trung tâm này có chức năng khảo sát, theo dõi nhu cầu và sự biến động về nhân lực theo lĩnh vực ngành nghề, theo bậc đào tạo, theo chuyên ngành và theo địa dư vùng miền. Trên cơ sở các số liệu hàng năm, nhà nước có chiến lược xây dựng, phân bố chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau, cho mỗi chuyên ngành khác nhau, ở các vùng miền khác nhau.
Ở góc độ khác, Giáo sư Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàm lâm Khoa học Việt Nam khẳng định, thước đo của chất lượng đại học phải được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tiến tới hệ thống bằng cấp được công nhận tương đương. Dẫn chứng thực tế từ Singapore là một quốc gia có nhiều bước tiến nhảy vọt trong khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, vươn lên từ một nước đang phát triển, Giáo sư Nguyễn Ngọc Minh đề xuất không nên tập trung phát triển về số lượng mà phải lấy chất lượng là chính. Việc hàng chục ngàn học viên mỗi năm được “ra lò” với sự đào tạo dễ dãi, tràn lan với “bằng thật và chất lượng giả” rất đáng báo động.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học – Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài là rất tốt, cần được chú trọng vì khoa học nước ta còn non yếu nhưng với điều kiện sau khi đào tạo xong phải về phục vụ nước nhà. Báo chí hiện nay nói nhiều đến việc đào tạo tiến sỹ nhưng đề tài lại khôi hài, kỳ lạ khiến dư luận xã hội bức xúc. Chính vì vậy, đào tạo tiến sĩ không cần nhiều nhưng phải có chất lượng để có những nhà khoa học chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.