Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phản biện và đồng thuận

Hiền Lương| 30/01/2010 06:06

(HNM) - Trong cuộc gặp mặt cuối năm tại Hà Nội, một đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ rằng, để đi đến quyết định cho hút bùn cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, giữa những luồng dư luận trái chiều vẫn không ngừng tranh luận

Ví dụ này cho thấy, một mặt, lãnh đạo TP phải chịu sức ép dư luận ngày càng lớn khi tiến hành một dự án, một sáng kiến liên quan tới cộng đồng. Mặt khác, thể hiện vai trò của người dân đang tham gia ngày càng sâu rộng vào công việc của cơ quan nhà nước.

Đây có thể coi là xu hướng phản biện tốt trong xã hội. Sự mở rộng thông tin, tham gia ý kiến của người dân, của báo chí vào các công việc của cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết. Nhờ thế, người dân được bảo đảm quyền được thông tin, còn cơ quan nhà nước cũng có điều kiện tham khảo, cân nhắc để nhìn nhận các dự án, công trình, những việc thí điểm... nhằm "lọc" được ra những phương án tốt nhất, loại trừ được những vấp váp có thể có.

Trong năm qua, một số dự định của cơ quan nhà nước sau khi tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và người dân mà kịp thời được điều chỉnh một cách hợp lý.

Tuy nhiên, không phải lời bàn nào cũng hay, lời góp ý nào cũng đúng đắn, đôi khi chỉ là ý kiến chủ quan, nhận định phiến diện một chiều. Thậm chí có cả những ý kiến kiểu "thầy bói xem voi", nêu theo cảm tính, thiếu căn cứ, cơ sở khoa học, thiếu tinh thần xây dựng. Thực tế cho thấy, có những việc thuộc dạng "nước sôi lửa bỏng", nhưng do có nhiều ý kiến "phản biện" không thật đúng, không thực sự chuẩn xác, làm xuất hiện những luồng dư luận trái chiều, gây trở ngại, khó khăn cho việc thực hiện. Điều này dẫn đến sự chậm trễ không đáng có, nhiều khi gây ra thiệt hại không nhỏ về công sức, tiền của cho xã hội và người dân.

Do đó, ở đây xuất hiện hai vấn đề. Thứ nhất: Trước khi các cơ quan nhà nước quyết định một việc, nên chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết, lắng nghe phản biện để có những thích ứng kịp thời. Cùng với đó, những người lãnh đạo phải thể hiện sự quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, như lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố mà làm cho được". Thứ hai, phải có sự uốn nắn, điều chỉnh cần thiết để những việc cần làm thì vẫn phải tiến hành trong không khí xã hội thuận lợi nhất. Thực tế cũng đã chứng minh, có nhiều chuyện sau bàn luận đã trở nên “rối như canh hẹ” một cách không đáng có, và hậu quả là lãng phí về thời gian, tiền bạc, cơ hội... không thể đo đếm được. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, không thể xử sự theo lối duy ý chí, hễ thấy khó khăn, hễ động chạm hoặc thấy sự phản ứng của dư luận là chọn phương sách an toàn bằng cách "bình chân như vại". Làm như vậy sẽ dĩ hòa vi quý. Tuy nhiên xét theo một góc độ khác, thái độ đó là đang kéo lùi sự tiến bộ của xã hội...

Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống đoàn kết nhất trí cao trước những khó khăn, thử thách. Năm 2009, dù phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, nhưng kinh tế - xã hội đất nước vẫn có sự tăng trưởng khá. Khi phân tích nguyên nhân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các học giả, chuyên gia đều khẳng định nhờ sự đồng thuận xã hội, vai trò làm chủ của mỗi người dân phản ánh qua tiếng nói ủng hộ hay không trước những vấn đề của đất nước hay của địa phương mình là rất quan trọng. Do vậy, cùng với sự phát triển của thông tin đại chúng, người dân cũng cần trang bị cho mình khả năng nhận định vấn đề một cách chuẩn xác và khoa học, vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phản biện và đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.