(HNM) - Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết dài đang bắt đầu qua. Đến lúc này có thể nói người dân cả nước đã đón một cái Tết cơ bản là an toàn, yên vui. Tuy nhiên, niềm vui ấy chắc chắn sẽ trọn vẹn hơn nếu như chúng ta không phải nghe những thông tin buồn dưới đây.
Theo báo cáo, trong 6 ngày Tết (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) cả nước có trên 25.000 người bị TNGT vào khám và cấp cứu tại các bệnh viện (tăng trên 3.000 người so với Tết Nhâm Thìn 2012). Trong số đó 234 người đã thiệt mạng và 284 người bị thương. Ngoài ra, có trên 27.000 người vào bệnh viện do các tai nạn khác, trong đó có trên 8.900 người bị tai nạn sinh hoạt (tăng hơn Tết Nhâm Thìn trên 2.000 người); 83 người vào viện do pháo nổ (gần gấp 3 lần so với Tết Nhâm Thìn). Bộ Y tế cũng cho biết số ca tử vong tại các bệnh viện nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái…
Mới ngần ấy con số đã khiến người nghe ù tai, chóng mặt. Vấn đề tai nạn trong dịp Tết, đặc biệt là TNGT, dường như năm nào cũng được cảnh báo, nhắc nhở nhưng kết quả thì năm sau con số thống kê đưa ra lại khủng khiếp hơn năm trước. Năm nay, trước Tết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2013, Thủ tướng đã chỉ đạo phải bảo đảm ATGT, giảm cả ba chỉ tiêu về ATGT so với Tết năm trước.
Thế nhưng, khi Tết mới đi được nửa thời gian, tai nạn đã gia tăng đáng báo động. Ngày 12-2 (tức mùng 4 Tết), Thủ tướng lại phải có công điện nhắc nhở về bảo đảm TTATGT những ngày sau Tết và trong mùa lễ hội năm 2013.
Tai nạn là ngoài ý chí chủ quan, tức là không ai muốn nó xảy ra. Ngược lại, việc thực hiện các biện pháp giảm tai nạn là ý chí chủ quan, nó được quyết định bởi chính yếu tố con người, vậy nhưng lại ít người có ý thức thực hiện. Trong đó có cả trách nhiệm của công tác quản lý. Năm 2012 được Chính phủ phát động là Năm ATGT nhằm thiết lập về kỷ cương trong quản lý TTATGT. Kết quả đạt được cũng rất đáng khích lệ. Nhưng dường như cái "cố tật" làm theo kiểu "đầu voi đuôi chuột", "đánh trống bỏ dùi" vẫn hiện hữu. Bên cạnh đó là thái độ thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt cũng cần phải được chấn chỉnh khẩn cấp.
Một trong số nhiều giải pháp được ngành giao thông đưa ra để đạt mục tiêu giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương trong năm 2012 là "lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về số vụ TNGT". Nhưng thử hỏi, đến lúc này, khi TNGT lại gia tăng đột biến, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ở mỗi địa phương đều có Ủy ban ATGT, có người đứng đầu ủy ban ấy. Mỗi tỉnh, thành đều có những lực lượng chuyên trách như CSGT, Thanh tra giao thông…, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (là Chủ tịch Ủy ban ATGT). Vậy nhưng đã có ai "chịu trách nhiệm"?...
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới TNGT, tuy nhiên thực tế cho thấy ở địa phương nào có sự quan tâm sát sao của lãnh đạo thì tình hình TTATGT tốt. Chuyện đốt pháo cũng vậy. Giao thừa vừa rồi, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… pháo nổ râm ran, xác giấy đỏ đường. Thế nhưng, ở nhiều vùng nông thôn tỉnh Thái Bình tịnh không nghe thấy một tiếng pháo mà thành quả ấy có được là do chính quyền cơ sở quyết liệt, nghiêm túc.
Giờ đây khi tiếng chuông báo động lại vang lên, trách nhiệm hành động đầu tiên nên chăng hãy bắt đầu từ các cấp lãnh đạo. Đã đến lúc chúng ta phải xác định được những địa chỉ trách nhiệm cụ thể, chứ không thể cứ mãi chung chung, không thể chỉ là dừng ở "phê bình, yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.