(HNM) - Chính thức được thành phố Hà Nội thí điểm từ năm 2017, quảng cáo trên cầu vượt dành cho người đi bộ nhằm mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, phục vụ đời sống cộng đồng. Bên cạnh những lợi ích mang lại, dư luận cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác tổ chức, quản lý, thực hiện quảng cáo tuân thủ đúng quy định, phát huy hiệu quả cao nhất. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, việc thí điểm quảng cáo trên cầu vượt dành cho người đi bộ ở Hà Nội được thực hiện như thế nào?
- Quảng cáo trên cầu vượt dành cho người đi bộ là chủ trương của UBND thành phố Hà Nội (theo Quyết định số 2856/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 18-5-2017), nhằm huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ đời sống cộng đồng. Bước đầu, thành phố đang tiến hành thí điểm với Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing. Cụ thể, công ty có trách nhiệm cung cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc, inox phục vụ cộng đồng trên địa bàn thành phố, với tổng giá trị là 193 tỷ đồng. Đổi lại, công ty được phép khai thác quảng cáo trên 54 cầu vượt dành cho người đi bộ.
Ngoài việc cung cấp các thiết bị tiện ích, công ty cũng tham gia các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, phục vụ các hoạt động tuyên truyền của thành phố. Cụ thể như các đợt tuyên truyền chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội; Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019); Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2018 và các nội dung tuyên truyền an toàn giao thông, bảo vệ môi trường...
- Trước khi triển khai thí điểm, các bộ, sở, ngành liên quan có ý kiến, quan điểm thế nào, thưa ông?
- Để việc thực hiện thí điểm quảng cáo trên cầu vượt dành cho người đi bộ bảo đảm đúng quy định, trước khi triển khai, UBND thành phố Hà Nội có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội được áp dụng vào điều kiện thực tế đối với hoạt động quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ của thành phố. Ngày 20-11-2017, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2774/BXD-KHCN nhất trí với hình thức xã hội hóa để đầu tư các thiết bị đường phố, phục vụ công ích cho thành phố Hà Nội và thống nhất cho doanh nghiệp thí điểm lắp đặt bảng quảng cáo tại hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ.
Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan đã ban hành các văn bản để tiến hành thí điểm thực hiện quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ của thành phố. Cụ thể là, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng về vị trí, kích thước của bảng quảng cáo; Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội bàn giao hệ thống cầu vượt và cấp giấy phép thi công; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có văn bản chấp thuận về nội dung quảng cáo, tuyên truyền.
Hiện tại, việc lắp, dựng bảng quảng cáo đã hoàn thành tại 28 điểm cầu vượt dành cho người đi bộ. Nội dung tuyên truyền, quảng cáo bảo đảm các quy định của pháp luật về quảng cáo, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản khác có liên quan.
- Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ vi phạm một số quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Như trên đã nói, khi thực hiện thí điểm quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ, thành phố Hà Nội đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Trong văn bản chấp thuận của Bộ Xây dựng nêu rõ, đối với việc cho phép lắp đặt bảng quảng cáo tấm nhỏ phía ngoài cầu vượt cho người đi bộ, hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 17:2013/BXD) của Bộ Xây dựng về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời đang trong quá trình chỉnh sửa, nên UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu quyết định triển khai mô hình thí điểm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm duyệt phương án thiết kế, xây dựng và lắp đặt bảng quảng cáo trên nguyên tắc bảo đảm an toàn giao thông, an toàn chịu lực, mỹ quan đô thị; phù hợp các văn bản hiện hành có liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn chịu lực, liên kết chắc chắn, không che khuất tầm nhìn, không làm mờ chỉ dẫn giao thông…
Về những công việc này, các cơ quan liên quan đang thực hiện kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm cũng như vấn đề nảy sinh (nếu có). Trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý một số trường hợp thực hiện quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ chưa đúng quy định với tổng số tiền là 70 triệu đồng.
Ngoài ra, từ tháng 3-2019, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tạm thời dừng chấp thuận thí điểm thực hiện nội dung quảng cáo đối với Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing tại các cầu vượt dành cho người đi bộ cho đến khi thành phố tiếp nhận, nghiệm thu đủ số thiết bị tiện ích theo đúng cam kết mà công ty đã thỏa thuận.
Trên thực tế, việc thực hiện quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ, với mục tiêu huy động nguồn vốn xã hội hóa phục vụ nhu cầu dân sinh, hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, cần có thời gian cũng như ý kiến góp ý, chia sẻ từ cộng đồng để hoạt động này hoàn thiện, phát huy hiệu quả hơn. Sau một thời gian thí điểm, thành phố sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến hành xem xét, quyết định có tiếp tục thực hiện hình thức quảng cáo này nữa hay không.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.