Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải sát thực tế, dễ thực hiện!

Bảo Nga - Trung Dũng| 12/10/2017 06:38

(HNM) - Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND thành phố bản Dự thảo “Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”.

Giao tiếp của cán bộ trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội sẽ tác động lớn tới sự hài lòng của tổ chức, công dân khi giao dịch với chính quyền. Ảnh: Thái Hiền


Ông Nguyễn Văn Hoàn (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai): Hiểu đúng về phát âm chệch chuẩn

Ai cũng hiểu nói ngọng, nói lắp là cố tật. Nói ngọng là người nói không phát âm đúng một số âm; còn nói lắp là người nói nhắc đi nhắc lại nhiều lần một tiếng, nói bị vấp. Tôi được biết, cư dân nhiều vùng miền trên đất nước ta mắc phải hai cố tật nêu trên. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người vẫn đang hiểu nói ngọng là phát âm lẫn lộn giữa các âm đầu, vần, thanh như ch - tr, l - n, s - x. Hiểu như vậy là chưa đúng, vì thực chất đó là sự phát âm chệch chuẩn chính âm tiếng Việt.

Theo tôi, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nên nghiên cứu có thể thay thế yêu cầu “hạn chế nói ngọng, nói lắp” trong dự thảo bằng một cụm từ nào đó cho phù hợp hơn. Bởi lẽ, để hạn chế việc nói ngọng, nói lắp cần phải kiên trì rèn luyện, điều chỉnh trong việc phát âm và sẽ mất nhiều thời gian mới phát âm được đúng hoặc tiếp cận với chuẩn chính âm tiếng Việt.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp):Cần chú ý về tính khả thi

Về mặt cơ sở pháp lý, trước khi ban hành quy định, cơ quan soạn thảo cần phải căn cứ các quy định của pháp luật về quyền công dân, về Luật Công chức, viên chức… Mặt khác, để quy định đi vào đời sống, trước hết phải bám sát yêu cầu thực tế, đưa ra những quy chuẩn có đủ tính khả thi, đồng thời xây dựng cơ chế xử phạt cụ thể đối với những trường hợp vi phạm.

Đặc thù của Hà Nội là nơi quy tụ nhân lực từ khắp nơi trên cả nước về sinh sống, học tập và làm việc, do đó cũng là nơi hội tụ đầy đủ ngôn ngữ, văn hóa, thói quen sinh hoạt… đặc trưng của cư dân các vùng, miền. Thông thường, một cán bộ công chức, viên chức trước khi được nhận vào các cơ quan, công sở phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về bằng cấp, trình độ, chuyên môn…, nay nếu đề ra thêm những quy định yêu cầu họ phải hạn chế nói lắp, nói ngọng, nói tiếng địa phương… chẳng khác nào tự thu hẹp quy chuẩn, phạm vi tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức. Còn nếu quy định chỉ mang tính chất “khuyến cáo” cán bộ công chức, viên chức khi thực thi công vụ thì e không có nhiều giá trị vì thiếu tính răn đe. Theo tôi, chúng ta nên đi vào những quy định thực chất, cụ thể.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Quang Trung, Đống Đa:Rõ vai trò, trách nhiệm khi làm việc, giao tiếp

Từ khi thực hiện "Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội", tôi luôn quán triệt cấp dưới trong cơ quan khi làm việc, giao tiếp với người dân phải khiêm nhường, trao đổi thông tin đúng chức trách, thẩm quyền mình được giao. Cán bộ viên chức trong cơ quan nhà nước phải xác định người dân vừa là đối tượng mình phục vụ, vừa là đối tượng giám sát công việc của mình nên tất cả cán bộ viên chức đều phải có ý thức tôn trọng người dân.

Việc sử dụng facebook là quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng tôi cũng luôn nhắc nhở đồng nghiệp nhớ rằng mình đang là cán bộ viên chức, nên về nguyên tắc nói và làm phải theo "đường chính thống", nhất là khi đề cập đến một vấn đề nào đó liên quan đến công việc. Chủ trương của thành phố xây dựng chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ viên chức là tốt; các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện để cán bộ viên chức hiểu rõ và khi đã ở vị trí công việc nào thì cần phải chấp hành nghiêm túc những yêu cầu, quy định của công việc đó.

Bà Đỗ Thị Tâm (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng):“Lời nói chẳng mất tiền mua...”

Tuy con cháu tôi không có mấy ai làm cán bộ, viên chức nhà nước nhưng tôi luôn dặn dò các cháu phải biết cách đối nhân xử thế cả trong giao tiếp công việc lẫn giao tiếp xã hội. Điều này thể hiện cốt cách, đạo đức cá nhân và đóng vai trò khá quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ tin cậy giữa bạn bè, công việc.

TP Hà Nội vừa ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan vào đầu năm 2017, nay lại đang nghiên cứu thêm quy định này với những yêu cầu cụ thể hơn, thiết nghĩ là để từng bước nâng cao kỷ cương hành chính của các cơ quan thuộc thành phố. Không nên nghĩ rằng đây là đòi hỏi cao với cán bộ viên chức hay làm cán bộ viên chức bây giờ khó quá, bị nhiều quy định ràng buộc. Cán bộ viên chức có kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử phù hợp sẽ được phân công việc tiếp dân hay giải quyết các chế độ chính sách… trở thành tấm gương để đồng nghiệp và các cán bộ viên chức mới học hỏi, phấn đấu. Quan trọng hơn cả vẫn là sự tự học hỏi, rèn luyện của mỗi cán bộ viên chức trong thực thi công việc của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải sát thực tế, dễ thực hiện!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.