Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải rõ việc để chọn người

Hiền Chi| 09/07/2013 06:01

(HNM) - Chính sách biên chế hiện nay chưa thực sự giảm được người cần giảm và tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ trong một cơ quan, tổ chức là vấn đề tồn tại sau nhiều năm thực hiện việc tinh giản biên chế.

Tinh giản chưa hiệu quả

Theo Bộ Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ TƯ đến cấp huyện ở nước ta tính đến hết năm 2007 là 346.379 biên chế (không bao gồm biên chế sự nghiệp và biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); tính đến năm 2012 là 388.480 biên chế. Sau 5 năm thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan TƯ và 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (tỉnh An Giang, tỉnh Vĩnh Long, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Y tế chưa có số liệu), đã có 67.398 người hưởng chính sách tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và các quy định của pháp luật trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, song cũng còn khá nhiều hạn chế. Số người tinh giản biên chế trong 5 năm qua chủ yếu do nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác hoặc thôi việc (riêng số người nghỉ hưu trước tuổi đã chiếm tới 90,53% tổng số tinh giản biên chế). Trong khi đó, theo yêu cầu thì đối tượng phải tinh giản gồm: Những người không thường xuyên bảo đảm chất lượng và thời gian lao động quy định, chuyên môn nghiệp vụ yếu, không đủ sức khỏe làm việc; những người dôi ra do điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức ở bộ phận phục vụ…

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tinh giản biên chế không hiệu quả là nhiều bộ, ngành và địa phương không có phương án cụ thể cho việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ngay từ đầu. Do đó, không có kế hoạch về số lượng người cũng như không xác định được ai là người trong diện phải sắp xếp giảm biên chế, ai là người sẽ giữ lại. Bộ Nội vụ cho biết, thực tế kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương về việc quản lý biên chế công chức cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện hết số biên chế công chức được giao nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đó cho thấy các cơ quan chưa xác định được vị trí việc làm. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng: "Việc tinh giản biên chế đã được nói đến lâu nay nhưng không có chuẩn giảm". Đồng tình với quan điểm cần có chỉ tiêu định lượng trong tinh giản biên chế, nhưng Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh lại nêu ý kiến: "Việc tinh giản biên chế mà đưa ra một con số để áp đặt cho tất cả các cơ quan thì khó thực hiện, cho nên từng cơ quan cần rà soát lại, đánh giá chức năng nhiệm vụ của mình, trên cơ sở đó đề ra chỉ tiêu định lượng để phấn đấu". Theo bà Bùi Thị Thanh, nên thực hiện cơ cấu lại đội ngũ CBCC theo vị trí việc làm rồi tinh giản biên chế, cùng với đó là xác định lại nhiệm vụ của từng bộ máy, chú trọng tránh chồng chéo.

Cấp thiết xác định vị trí việc làm

Dự thảo "Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC" đã đề cập đến 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; sắp xếp lại tổ chức bộ máy; cơ chế quản lý CBCCVC; đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức, thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCC; chế độ, chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC. Cơ bản nhất trí với các nhóm giải pháp, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đề nghị nên trao quyền và trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị, bởi việc đánh giá công chức hiện nay theo phương thức bỏ phiếu không đúng thực chất. Phiếu của tập thể chỉ để tham khảo, còn thủ trưởng vẫn cần có ý kiến riêng và chịu trách nhiệm với cấp trên về quyết định của mình. Về thời hạn xác định vị trí việc làm, các bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành thì mới có cơ sở để thực hiện và tinh giản biên chế đạt yêu cầu vào năm 2020. Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Văn Thái cũng cho rằng, cần có đủ số biên chế cần thiết theo vị trí việc làm và nên xác định từng giai đoạn sẽ cần bao nhiêu CBCCVC cho từng ngạch. Điều đó sẽ kéo theo các khâu tuyển dụng, nâng ngạch, đào tạo phải thực chất, kiên quyết gạt ra những người không đáp ứng yêu cầu công việc, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.

Hiện dự thảo đề án đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị. Nếu được thông qua, đề án sẽ thực hiện trong 7 năm (2014-2020). Hy vọng rằng sẽ có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo để không còn tình trạng thực hiện tinh giản mà biên chế… vẫn tăng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải rõ việc để chọn người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.