Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải quyết liệt và bài bản hơn

Thu Trang| 19/08/2017 06:48

(HNM) - Ngày 18-8, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung thực hiện các biện pháp đã đề ra một cách bài bản hơn.

Dịch diễn biến phức tạp, nhưng nhiều nơi còn lừng chừng

Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Thành phố cũng đã tăng cường nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng, chỉ đạo chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Các quận, huyện, xã, phường đã thành lập hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63 nghìn người tham gia. Dịch sốt xuất huyết dù có dấu hiệu chững lại, song vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Tính đến ngày 17-8, Hà Nội ghi nhận gần 17.400 ca mắc, 7 trường hợp tử vong.

Hà Nội đã tổ chức phun hóa chất diện rộng nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết.


Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện có 12 quận, huyện trong vùng "báo động đỏ", tập trung đến 90% bệnh nhân của thành phố; 5 quận, huyện trong vùng "màu da cam" và 13 quận, huyện "màu vàng" (có ít ca mắc). Ngày 17-8, UBND thành phố đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại 12 quận, huyện trọng điểm. Qua kiểm tra, có nơi đã thực sự vào cuộc, nhưng có nơi vẫn còn “lơ mơ”. Riêng việc phun hóa chất diệt muỗi, từ ngày 12 đến 17-8, toàn thành phố đã sử dụng 210 lít hóa chất, tỷ lệ phun mới đạt 86,7%; có gia đình phun tới hai lần, nhưng chỉ đồng ý cho phun ở tầng 1.

Quận Đống Đa là địa bàn "dẫn đầu" với 2.922 ca sốt xuất huyết. Dù khẳng định chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực, nhưng qua phát biểu của Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, có thể thấy, công tác chống dịch trên địa bàn chưa thực sự triệt để. Hiện tại, quận mới triển khai phun hóa chất diệt muỗi ở 20/389 công trình xây dựng; 6/9 chợ dân sinh; 24/35 cơ sở y tế, trường học...

Còn tại quận Hoàng Mai - điểm “nóng” thứ 2 về dịch với 2.920 ca mắc, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Quý Thái đánh giá, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn vẫn rất phức tạp. Do địa bàn rộng, đông dân cư nên việc phun hóa chất gặp nhiều khó khăn. Để “phủ sóng” được 3/10 phường trọng điểm (Vĩnh Hưng, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ) với hơn 25 nghìn hộ, phải mất 8 ngày.

Không chỉ tại các quận, huyện, công tác chống dịch của các sở, ngành cũng chưa quyết liệt. Sau khi nghe báo cáo của đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng, trường học, ký túc xá, công trường xây dựng đều là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao trở thành ổ dịch. Thế nhưng, Sở Giáo dục - Đào tạo lại vào cuộc một cách chậm trễ; còn Sở Xây dựng dường như chưa vào cuộc. Ngày 31-7-2017, Thành ủy Hà Nội đã có Công văn 698-CV/TU, yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống sốt xuất huyết tại các công trường và nơi ăn ở, sinh hoạt của công nhân. Song ngay tại cuộc họp ngày 18-8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng vẫn chưa nắm được để triển khai.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đang rất sốt ruột về diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô. Thế nhưng, khi nghe xong báo cáo của các đơn vị lại càng thấy lo hơn, vì thành phố chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở triển khai chưa hiệu quả, chưa cụ thể. Năm nay, do dịch đến sớm nên dù ca mắc tăng, song chưa phải cao điểm của dịch. Về lâu dài, phải có biện pháp tổng thể, quyết liệt và liên tục, nhất là khi năm học mới sắp tới. Không chỉ các quận, huyện, Sở Y tế mà các sở, ngành khác cũng phải coi đây như nhiệm vụ của mình, phải coi phòng, chống dịch như phòng, chống hỏa.

Về giải pháp thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố. Hiện bản đồ dịch tễ về sốt xuất huyết của thành phố đã lập và sẽ được cập nhật thường xuyên. Một số quận, huyện từ vùng dịch tễ "màu vàng" có thể sẽ trở thành vùng "báo động đỏ" và ngược lại. Đây là căn cứ để đánh giá việc triển khai, sự vào cuộc của các địa phương...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nêu rõ, toàn thành phố tiếp tục duy trì công tác vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tập trung diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ dân, công trường xây dựng, khu công cộng; lấy lực lượng thanh niên xung kích làm nòng cốt. Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo Đoàn thanh niên các quận, huyện, thị xã, nhất là những nơi đang "báo động đỏ", huy động thanh niên tình nguyện, "phủ xanh" toàn bộ trong chiến dịch lần này. Mặt khác, các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí cho cán bộ làm công tác phòng dịch. Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính lên kế hoạch cụ thể về máy phun, lượng hóa chất cần dùng trong cả tháng tới. Việc phun hóa chất phải được triển khai ở tất cả các trường học, sau phun phải vệ sinh môi trường. Khi phun tại hộ dân, sẽ yêu cầu lực lượng công an vào cuộc. Hộ dân nào không hợp tác, làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng sẽ bị lập biên bản xử lý nghiêm.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức giám sát muỗi truyền bệnh tại 6 điểm công cộng, bao gồm: Chợ Mai Động (Hoàng Mai), chợ Thái Hà (Đống Đa), chợ Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), Nghĩa trang Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), Nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính - Thanh Xuân), Nghĩa trang Láng Hạ (Đống Đa). Kết quả, tại khu vực chợ, tất cả các điểm giám sát đều phát hiện ổ bọ gậy, 2/3 điểm bắt được muỗi truyền bệnh; còn ở các nghĩa trang: Tất cả các điểm đều phát hiện ổ bọ gậy.

Hôm nay (19-8), 6 đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục kiểm tra công tác chống dịch.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải quyết liệt và bài bản hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.