Hiện các địa phương đang đẩy nhanh công tác tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, thời tiết chuyển sang mùa đông làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm dịp cuối năm thường lớn..., gây nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, với 41,9 triệu con gia cầm; 1,48 triệu con lợn; 28,9 nghìn con trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, không xảy ra dịch với các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò. Một số ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra nhỏ lẻ, ở diện hẹp được phát hiện, khoanh vùng khống chế kịp thời, không xảy ra dịch bệnh lây lan diện rộng. Công tác tiêm phòng được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin hỗ trợ đều đạt hơn 85% kế hoạch...
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao, do trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa được quản lý. Người chăn nuôi nhỏ (quy mô hộ) còn chưa chú trọng phòng, chống dịch bệnh và thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao, việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm cũng tăng lên, tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh...
Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát vào dịp cuối năm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin cho từ 80% tổng đàn trở lên, tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, thực hiện tẩy uế môi trường, xử lý mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh; chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở quản lý tốt hoạt động chăn nuôi ngay từ thôn, xóm. Yêu cầu người dân thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không bán chạy, mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, chưa qua xử lý nhiệt). Đồng thời, tổ chức cho các hộ buôn bán, giết mổ ký cam kết mua bán động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc. Khi có dịch, phải tiêu hủy động vật mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật.
Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý khi có xác gia súc, gia cầm chết, không rõ nguồn gốc. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của các dịch bệnh động vật nguy hiểm và biện pháp phòng, chống. Lấy mẫu làm xét nghiệm để dự tính, dự báo dịch bệnh, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung, chợ kinh doanh động vật.
Các địa phương cũng cần chỉ đạo các xã tăng cường giám sát, phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán gia súc, gia cầm mắc bệnh. Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm xảy ra.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm từ động vật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.