Nông nghiệp

Hà Nội: Phòng, chống dịch bệnh tả lợn, bảo đảm nguồn cung cuối năm

Ngọc Quỳnh 30/11/2023 - 06:33

Ngày 29-11, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 4025/UBND-KTN về triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Văn bản nêu rõ, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện hơn 530 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy hơn 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk…

Hiện, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở 2 huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, buộc tiêu hủy 79 con lợn. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn dịp cuối năm tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh Dịch tả lợn châu Phi rất cao.

dong-anh.jpg
Các hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Để công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh Dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương trực tiếp chỉ đạo, huy động nguồn lực địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới (khi có dịch xảy ra); thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; kịp thời thông tin, phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (qua chi cục chăn nuôi và thú y) để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo; chủ động triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo quy định của pháp luật (khi có dịch bệnh xảy ra).

kiem-soat.jpg
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra sản phẩm động vật từ các tỉnh về Hà Nội.

Bên cạnh đó, rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lở mồm long móng, dịch tả lợn, tai xanh...) cho đàn lợn sinh sản phát sinh hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ, bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Mặt khác, chỉ đạo, tổ chức, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Khuyến cáo người dân tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn 4-10 tuần tuổi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phòng, chống dịch bệnh tả lợn, bảo đảm nguồn cung cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.