Nông nghiệp

Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm dịp cuối năm

Ngọc Quỳnh 10/12/2023 - 07:15

Hiện nay, các trang trại, hợp tác xã đang đẩy mạnh tái đàn và chăm sóc đàn vật nuôi, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024.

Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm cuối năm lại tăng cao, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn, nhất là bệnh cúm gia cầm và bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Do đó, người dân cần tiêm phòng vắc xin, chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh.

chan-nuoi.jpg
Tiêm vắc xin cho lợn tại trang trại chăn nuôi ở xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Nguy cơ bùng phát

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho hay, trong bối cảnh giá lợn hơi lên xuống thất thường, giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm, hợp tác xã chỉ duy trì nuôi 400 con lợn. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận của Hà Nội, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn, do chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, ý thức của người dân chưa cao, vẫn nhập con giống không rõ nguồn gốc và còn chủ quan, lơ là trong công tác tiêm phòng vắc xin, dẫn đến nguy cơ dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát rất cao. Trong khi đó, việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đặc biệt tại chợ dân sinh ở các vùng nông thôn vẫn diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thông tin, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, với 158,5 nghìn con trâu, bò; 1,48 triệu con lợn; 41,9 triệu con gia cầm. Trong 11 tháng của năm 2023, trên địa bàn Thủ đô có 2 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ và huyện Hoài Đức, phải tiêu hủy 79 con lợn. Từ nay đến cuối năm, nguy cơ tái phát dịch bệnh gia súc, gia cầm là rất cao, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm...

“Việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết sẽ tăng cao cùng tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi… gây khó khăn cho việc kiểm soát tình hình dịch bệnh”, ông Nguyễn Đình Đảng cho biết thêm.

Giám sát từ cơ sở

Để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho hay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh...

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. “Sở NN&PTNT kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã bố trí thêm lực lượng tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát gia súc, gia cầm tại các chợ đầu mối; duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên địa bàn thành phố, để tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường từ các tỉnh biên giới về Hà Nội tiêu thụ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh…”, ông Tạ Văn Tường nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để ngành chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.

“Bộ NN&PTNT sẽ thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh (trong đó có Hà Nội) để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

----------

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn:
Bám sát diễn biến thời tiết để phòng, chống dịch bệnh

yk-nguyen-ngoc-son.jpg

Cuối năm, thường xuyên xuất hiện các đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường, nên ngành Nông nghiệp Hà Nội cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi kịp thời, đặc biệt khi có rét đậm, rét hại.

Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng; tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông để người chăn nuôi biết và có biện pháp phòng, chống theo quy định. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Các ngành chức năng cần kiểm soát thuốc, vắc xin thú y, bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản:
Kiểm soát chặt chẽ chợ gia cầm Hà Vỹ

yk-bui-cong-than.jpg

Là địa phương có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ - nơi tập trung kinh doanh, vận chuyển gia cầm lớn nhất miền Bắc, tiêu thụ khoảng 80-100 tấn gia cầm mỗi ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, phần lớn gia cầm ở chợ Hà Vỹ lại được nhập từ các địa phương khác, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm, huyện đã yêu cầu xã Lê Lợi phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín, chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố tại chợ gia cầm Hà Vỹ trực 24/24 giờ để kiểm tra gia cầm về chợ, bắt buộc hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, xã Lê Lợi chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, Phòng Kinh tế huyện và UBND các xã, thị trấn xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, sau mỗi buổi chợ, các tiểu thương phải tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long:
Chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh

yk-nguyen-trong-long.jpg

Hợp tác xã Hoàng Long hiện có 500 lợn nái và khoảng 5.000 lợn thịt và trong dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã sẽ cung cấp khoảng 100 tấn thịt lợn/tháng. Do đó, để kiểm soát chất lượng thịt và hạn chế dịch bệnh, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khu chuồng nuôi luôn bảo đảm vệ sinh. Bước vào khu vực chăn nuôi, nhân viên phải khử trùng, mặc đồ bảo hộ.

Thức ăn sử dụng cho đàn lợn phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với từng loại con giống, con thương phẩm; bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ, không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, độc tố... Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn mới. Chất thải chăn nuôi được hợp tác xã thu gom, đưa ra ngoài khu vực chuồng trại để xử lý. Nước thải được tích trữ trong hồ sinh học, bảo đảm tiêu chuẩn đầu ra để có thể nuôi trồng thủy sản. Cũng nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, thân thiện với môi trường, hợp tác xã đã giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi và duy trì ổn định sản xuất trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát.

Quỳnh Dung ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.