(HNM) -
Một năm với nhiều thành công
Trong năm qua, khảo cổ học Thời đại đá có rất nhiều cuộc khai quật đáng chú ý như cuộc khai quật hang Cốc Mười, xã Chí Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đã thu được rất nhiều xương răng hóa thạch ở trong các trầm tích. Theo các nhà khoa học, niên đại của hang Cốc Mười có thể lên tới 114.000 năm. Đây là tư liệu tốt để chúng ta nghiên cứu quần thể động vật và môi trường của các giai đoạn Holocene. Đáng lưu ý nữa là cuộc khai quật ở thôn Tám, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, mới kết thúc cách đây một tuần. Những tư liệu rất mới trong lòng đất về di vật rìu, mảnh tước đã minh chứng thôn Tám là một di chỉ xưởng chế tác công cụ sản xuất của cư dân giai đoạn sơ kỳ Đá mới cách đây 4.000-5.000 năm. Bên cạnh đó, tại di tích Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa), trong 84m2 đã phát hiện 146 mộ táng, hàng nghìn di vật đá, hàng chục nghìn mảnh gốm và xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể, góp phần nghiên cứu tiến trình phát triển của văn hóa Đa Bút, một trong những văn hóa Thời đại đá rất nổi tiếng.
Hiện vật đá khai quật tại thôn Tám, xã Đắk Wil, Cư Jút, Đắk Nông. Ảnh: Vũ Hoa |
Điểm nhấn của khảo cổ học Thời đại kim khí là cuộc khai quật tại di tích Đồng Đậu lần thứ 7 ở Vĩnh Phúc, phát hiện rất nhiều tư liệu mới, trong đó có một mộ táng Phùng Nguyên của một người đàn ông có tục nhổ răng cửa. Tư liệu này góp phần nghiên cứu giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm.
Khảo cổ học lịch sử cũng có nhiều hoạt động rất sôi nổi. Điển hình là cuộc khai quật theo kiến nghị của UNESCO ở điện Kính Thiên đã làm xuất lộ các lớp văn hóa ở khu vực Kính Thiên mà trước đây chỉ có ở khu vực Hoàng Diệu, đó là lớp kiến trúc Lý - Trần. Cuộc khai quật đã tìm ra dấu tích kiến trúc thời Lý gồm dấu tích mà các nhà khảo cổ tạm gọi là "đường nước lớn" được xây bằng gạch vuông, gạch bìa, cọc gỗ. Dấu tích kiến trúc thời Trần cũng được phát lộ gồm dấu tích dải trang trí "hoa chanh" nằm trên móng tường thời Lý; hệ thống cống thoát nước với hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc nam và Đông tây nằm trên đường nước thời Lý… Năm 2013 cũng là năm tàu đắm Bình Châu, con tàu cổ nhất Việt Nam được khai quật với số hiện vật thu được lên tới 274 thùng gồm: gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh thuộc thế kỷ XIII.
Khảo cổ học dưới nước - Bị động
Theo PGS, TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, vấn đề nổi cộm nhất của khảo cổ học năm qua là khảo cổ học dưới nước. Cho đến nay, cả 6 con tàu chúng ta khai quật đều do ngư dân phát hiện và các nhà khoa học phải xử lý trong thế bị động. Tuy nhiên, có một tin vui đối với ngành khảo cổ học là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam vừa cho phép Viện Khảo cổ học thành lập Phòng khảo cổ học dưới nước. Như vậy, vấn đề này đã tạm thời bớt đi một "không", chỉ còn hai "không" là không thiết bị và không kinh phí. Kinh phí là vấn đề nan giải vì khai quật và bảo tồn tàu cổ rất tốn kém. Điển hình như tàu Cù Lao Chàm được khai quật năm 1999 với chi phí lên đến 6 triệu USD. Nếu muốn phục dựng và bảo tồn xác tàu, dù theo phương thức bảo tồn tại chỗ hay bảo tồn trong bể ngâm thì vẫn ngốn một khoản tiền không dưới 1 triệu USD. Kinh phí cũng là lý do khiến khi trục vớt tàu cổ Bình Châu vừa qua, dù rất muốn mang chiếc tàu này lên bờ để phục chế và trưng bày nhưng tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa thể triển khai.
Thất thoát cổ vật cũng là vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học. Do kinh phí khai quật quá lớn nên hầu hết tàu đắm phải trục vớt theo hình thức liên doanh với các đối tác nước ngoài hoặc huy động xã hội hóa và phải chia hiện vật với tỷ lệ 70:30, chính vì vậy, Việt Nam được giữ lại rất ít hiện vật. Điển hình, trong số 240.000 hiện vật là đồ gốm sứ Chu Đậu (thế kỷ XV) thu được từ tàu cổ Cù Lao Chàm, Việt Nam chỉ nhận được 72.000 hiện vật. Một thực tế khác, các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ chỉ được tiến hành sau khi ngư dân phát hiện và những kẻ săn mò cổ vật đã thám hiểm và khai thác chán chê nên hàng trăm nghìn cổ vật đã bị thất thoát. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của tình trạng này là chúng ta thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị nên không thể thăm dò sơ bộ xem có bao nhiêu con tàu đắm ở ngoài khơi, đang nằm ở tọa độ nào để vẽ bản đồ khảo cổ và lên kế hoạch giữ gìn.
Cũng tại hội nghị, TS Tống Trung Tín đưa ra vấn đề cần phải nhanh chóng tiến hành công tác quy hoạch để bảo vệ các di tích khảo cổ học. Cho đến thời điểm hiện tại, tiến độ quy hoạch khảo cổ học hiện nay vẫn gần như là con số 0. Hiện chỉ có tỉnh Khánh Hòa đã làm xong công tác quy hoạch khảo cổ học. Một vài địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, TP Hồ Chí Minh đã chuyển động nhưng còn khá lúng túng và hết sức chậm chạp. Ông cũng cảnh báo, nếu không hành động nhanh, các di sản khảo cổ học mong manh và quý giá của chúng ta sẽ biến mất rất nhanh trước tốc độ đô thị hóa diễn ra cực nhanh như hiện nay. "Khoảng 80-90% các di tích khảo cổ học Thời đại kim khí đã phát hiện hiện nay đã bị xóa sổ hoàn toàn" - ông Tống Trung Tín đưa ra dẫn chứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.