(HNMCT) - Để ngăn ngừa, giảm tai nạn giao thông do rượu bia, ngày 30-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tăng mức xử phạt tối đa và thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với mức phạt rất cao cùng sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc của các cơ quan chức năng, Nghị định 100/NĐ-CP lập tức tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, thói quen của xã hội. Các “đệ tử lưu linh” đã dè chừng, giữ mình hơn. Không ít nhà hàng, quán ăn cũng thực hiện biện pháp đưa “thượng đế” về nhà an toàn sau cuộc nhậu... Tai nạn giao thông có liên quan tới bia rượu nhờ đó cũng giảm đáng kể.
Mặc dù không còn là tình trạng phổ biến như trước nhưng trên thực tế hiện tượng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thông tin về các “ma men” bị lực lượng chức năng xử lý do vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn xuất hiện với tần suất khá cao trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí có không ít trường hợp còn bất hợp tác, chống đối người thi hành công vụ.
Thông tin trên báo chí cho hay, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã phát hiện, xử phạt 1.947 tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn. Con số đó khiến nhiều người giật mình. Đáng nói, nhiều trường hợp vi phạm rất đáng lo ngại. Đơn cử như một nữ tài xế trú tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) điều khiển xe Toyota Camry đi chơi đêm “giao thừa” Tết Dương lịch song khi bị kiểm tra có nồng độ cồn lại không xuất trình được giấy phép lái xe.
Hay trường hợp một thanh niên ở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) khi bị kiểm tra và phát hiện nồng độ cồn cao hơn 2 lần so với mức phạt "kịch khung", thay vì ký biên bản vi phạm thì người này lại bỏ đi, để xe ô tô lại cho lực lượng chức năng... giải quyết.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, một nam thanh niên quê An Giang uống rượu bia rồi điều khiển xe máy (không đội mũ bảo hiểm) cố tình đến chốt kiểm tra ở quận 7 để... lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn!... Dù chỉ là một vài cá biệt, nhưng những hành vi đó thực sự mang tính cảnh báo về ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Tết Dương lịch đã vậy, Tết Nguyên đán sắp tới, rồi năm mới, hội xuân..., đồng nghĩa với các hoạt động đi lại, vui chơi, giải trí, tụ họp liên hoan... sẽ nhiều hơn, và như thế nguy cơ mất an toàn giao thông do sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng sẽ gia tăng, không chỉ khiến bản thân người uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện bị thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, thậm chí có thể mắc vòng lao lý, mà còn đẩy những người tham gia giao thông khác vào nguy hiểm.
Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng xã hội, trách nhiệm đầu tiên vẫn là của mỗi cá nhân. Mỗi người cần phải có ý thức tự giữ mình, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông để tránh gây những hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi cơ quan, đơn vị cũng phải thực hiện nghiêm túc các quy định, hạn chế tổ chức liên hoan "tất niên”, đặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15-11-2020), trong đó có quy định về sử dụng rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, giám sát, tăng cường xử lý vi phạm, xử phạt nghiêm minh để các “ma men” không dám “nhờn luật”!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.