Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu dự án chậm triển khai 24 tháng

H.Vân| 23/06/2014 15:12

(HNMO) – Chiều 23/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.


Về Luật bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được thông qua, luật gồm 20 chương, 170 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Đáng chú ý, luật quy định, quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường; Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 2 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Theo luật, đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm: Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường; Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 2 tỉnh trở lên…

Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng, kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.



Về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, luật quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc đã qua sử dụng để phá dỡ; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch; thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm; thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Riêng việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Cũng theo luật, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm.

* Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, đa số các đại biểu nhất trí với các nội dung sửa đổi như trong tờ trình của Chính phủ.

Về miễn, giảm án thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thu hẹp hơn nữa phạm vi đối tượng, theo đó, không nên quy định trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống và không xác định được tài sản của người phải thi hành án cũng thuộc diện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Quy định này sẽ hạn chế việc lợi dụng chính sách miễn, giảm để chây ỳ, che giấu tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

Liên quan đến các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án nhân dân (TAND), các đại biểu cho rằng, việc bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án dân sự và TAND. Tuy nhiên, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết của TAND đối với tài sản trong quá trình thi hành án phải bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc chung theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật liên quan. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ hơn nữa các nội dung này để bảo đảm tính khả thi, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan (bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại), tránh quy định chung chung hoặc không đúng thẩm quyền, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu dự án chậm triển khai 24 tháng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.