Petr Koshel (46 tuổi) chàng trai đến từ nước Nga, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Lần đầu đến Việt Nam là năm 2019, Petr Koshel đã cảm nhận thiên nhiên ở đây rất tươi đẹp, con người sống hòa đồng, thân thiện và muốn gắn bó lâu dài với “dải đất hình chữ S” này. Từ tình yêu đó, Petr Koshel đã quyết định thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh, nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường và quyên góp ủng hộ người dân vùng bị lũ lụt. HNMO đã có cuộc trò chuyện với chàng trai đến từ nước Nga về chuyến đi bộ mang ý nghĩa đặc biệt này.
Xuất phát từ ý tưởng nào để anh quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt này?
Petr Koshel: Khi tôi đến Hà Nội sống và làm việc, tôi thấy khung cảnh thiên nhiên ở đây rất đẹp, con người thân thiện, mến khách và muốn gắn bó với mảnh đất này lâu dài. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam cũng gặp vấn nạn về rác thải nhựa. Dù tôi không phải là một chuyên gia hoạt động vì môi trường, cũng không cuồng tín về thực phẩm thuần chay, xe điện, tính toán lượng khí thải carbon hàng ngày, nhưng thành thật mà nói, vùng đất xinh đẹp này đang bị giết chết bởi rác thải nhựa. Tôi chợt nảy ra ý định sẽ đi bộ xuyên Việt nhằm chia sẻ thông điệp bảo vệ môi trường đến người dân Việt Nam. Tôi muốn lan tỏa thông điệp qua hành động đi bộ, mong muốn người dân Việt Nam hãy tự chăm sóc, làm sạch đất đai, môi trường của chính đất nước mình khỏi sự đe dọa của rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, sau khi chứng kiến sự tàn phá môi trường của cơn bão Yagi khi đổ bộ vào Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là lý do, trong hành trình chạy bộ này, tôi cũng mong muốn kêu gọi người dân Việt Nam ủng hộ vào Quỹ từ thiện của Chính phủ Việt Nam để khắc phục hậu quả bão lụt và cũng là để dọn dẹp môi trường sau bão được trong sạch hơn.
Anh đã chuẩn bị những gì cho chuyến hành trình dài này và xuất phát từ đâu?
Petr Koshel: Trước một chuyến hành trình dài tất nhiên tôi phải chuẩn bị kỹ cả về thể chất và tinh thần. Tôi đã luyện tập bằng cách đi bộ đường dài, dần dần tăng khoảng cách để tăng sức bền. Tôi phải chuẩn bị cho thời tiết khó lường bằng cách sắp hành lý tối giản nhưng đa năng. Còn về mặt tinh thần, tôi chuẩn bị bằng cách đặt ra những kỳ vọng thực tế, dĩ nhiên tôi không kỳ vọng ở những con số cụ thể nào. Chuyến đi này của tôi cũng không nhận tài trợ từ tổ chức địa phương hay quốc tế nào. Tôi thực hiện hành trình bằng tiền tiết kiệm của mình. Tôi đặt mục tiêu đi từ Bắc vào Nam trong vòng 35 đến 40 ngày.
Anh có thể chia sẻ những ấn tượng của mình về các vùng đất đã đi qua trong chuyến hành trình?
Petr Koshel: Xuất phát tại Hà Nội từ ngày 29-9, đến nay tôi đã đi được một nửa hành trình. Tôi đã đi qua các vùng đất tuyệt đẹp như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng …Tôi cũng đã đi qua nhiều làng và xã nhỏ hơn, dành thời gian khám phá địa phương và tìm hiểu về đời sống của bà con nơi đây. Mỗi vùng đều có một nét khác biệt - nét hùng vĩ của miền Bắc Việt Nam, nét văn hóa in đậm trong muôn vàn các di tích lịch sử của miền Trung Việt Nam và nét năng động, trẻ trung của các thành phố lớn. Tôi đã được chiêm ngưỡng những phố phường sôi động, những ngôi làng yên tĩnh và những vùng ven biển, ngắm nhìn biển trải dài đến tận chân trời….rất thú vị. Mỗi vùng đất mang lại hơi thở sống động, với mỗi bước chân, tôi lại được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ để suy ngẫm. Trải qua nửa đầu của chặng đường, bây giờ tôi vẫn đang bước tiếp. Trước những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hay những di tích danh lam thắng cảnh đẹp tôi đều ghi lại và chia sẻ nó trên trang Facebook và Telegram. Tất nhiên, tôi vẫn tập trung vào mục tiêu chính trong chuyến đi của mình đó là lan tỏa mục tiêu bảo vệ môi trường đến những tâm hồn đồng điệu.
Xin hãy chia sẻ những ấn tượng của anh về con người Việt Nam trên hành trình mà anh đã gặp?
Petr Koshel: Chắc chắn đó là câu chuyện tôi gặp một người phụ nữ tên Kim trong quãng thời gian tôi đi đến Đông Hà (Quảng Trị). Kim là một cô gái trẻ nhưng rất đam mê tìm hiểu về vấn đề bảo vệ môi trường. Tôi rất ngưỡng mộ và đồng tình với ý kiến của cô ấy rằng bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách, cần làm ngay vì không chỉ nghĩ đến ngày mai mà là vì tương lai con em chúng ta. Tôi đã mời cô ấy tham gia hành trình cùng tôi, dù là một ngày hay lâu hơn. Cô ấy đồng ý và đã đồng hành cùng tôi trong nhiều giờ đồng hồ.
Hay một câu chuyện đáng nhớ khác xảy ra ở Huế. Một gia đình đã mời tôi đến nhà và mời tôi ở lại ăn tối. Một ngày sau, nhân dịp họ di chuyển ra Đà Nẵng, họ đã tìm tôi qua vị trí của tôi trên bản đồ (tôi phát vị trí trực tiếp của mình 24/7 trên Facebook và Telegram) và bắt kịp khi tôi đi bộ và chuẩn bị vào đường mòn Hải Vân. Họ gửi lời chào, chúng tôi trò chuyện một lúc và đường ai nấy đi. Vào ngày hôm sau, lại một lần nữa, tôi nhận được tin nhắn từ một người trong gia đình nói rằng họ thấy tôi đang đi tới công viên nước gần nơi họ đang ở và họ muốn mời tôi đi uống một tách cà phê. Vậy đấy, ba cuộc gặp mặt với một gia đình trong ba ngày. Điều này làm tôi cảm thấy ấm lòng khi hành động của mình đã chạm đến trái tim của một số người dân Việt Nam.
- Anh có đặt ra số tiền dự định sẽ quyên góp cho Quỹ từ thiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?
Petr Koshel: Một câu hỏi hay. Bạn có thể tìm thấy câu trả lời đầy đủ trong các kênh Telegram và Facebook của tôi. Tôi cũng muốn khẳng định rằng không nhận bất kỳ khoản tiền nào vào tài khoản cá nhân. Toàn bộ số tiền sau khi quyên góp được chuyển thẳng vào tài khoản Quỹ ủng hộ bão lụt của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đăng trên trang Telegram và Facebook của tôi.
Tôi không nghĩ mình có thể đo lường và tính toán được mức độ lòng tốt của mọi người. Vấn đề không phải là vấn đề ủng hộ bao nhiêu mà là xuất phát từ tình thương của mọi người. Ở đất nước tôi, có câu tục ngữ: “Nếu bạn muốn làm điều gì đó tốt, hãy tự mình làm”, và tôi đã bắt đầu với chuyến đi một mình.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.