Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải đến với dân!

Nguyễn Hòa Bình| 24/09/2010 06:11

(HNM) - Giải phóng mặt bằng, tái định cư, rồi khiếu kiện… là chuyện thường xảy ra ở các dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng. Và dường như lâu nay, ít nơi thoát khỏi vòng quay luẩn quẩn ấy.


Điều gì cũng có cái lý của nó. Hãy tạm không bàn đến chuyện mức đền bù bởi nó đã nằm trong các quy định được các cấp có thẩm quyền phê duyệt rồi. Vậy làm sao hầu hết dự án đều chậm tiến độ vì vướng chuyện giải phóng mặt bằng?

Nói thật công bằng và khách quan, dân ta rất tốt và luôn ủng hộ cho sự phát triển của Thủ đô, của đất nước. Bao nhiêu khu quy hoạch, chẳng phải là treo nhưng do nay thay đổi thiết kế, mai thay đổi nhà thầu khiến nơi ở của dân đã dột nát, thậm chí xuống cấp đến nguy hiểm mà vẫn không ai dám liều sửa chữa. Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thị sát một số dự án, "mục sở thị" cảnh sống khó khăn của bà con, nên đã yêu cầu các ban quản lý dự án phải phối hợp ngay với các ngành liên quan thu xếp nơi ăn chốn ở cho bà con, như thế chủ đầu tư vừa sớm có mặt bằng thi công, bà con đỡ khổ.

Sau chuyến thị sát ấy, cho phép ta đặt vấn đề: Nếu như lãnh đạo chính quyền ở cơ sở và các ngành chức năng cũng thường xuyên trực tiếp xuống tận cơ sở để gặp dân, trước mắt xem họ sống ra sao đã, rồi nghe họ trình bày tâm tư nguyện vọng, từ đó giải quyết ngay những việc cần kíp theo thẩm quyền, thì sẽ giảm đi rất nhiều những chuyện phức tạp trong giải tỏa mặt bằng.

Nhà ở chen chúc, dự án treo, giải tỏa mặt bằng chậm, mức đền bù cũng như việc vận động kém… đã làm người dân bức xúc. Không sửa được nhà, chưa có nơi ở mới, nhiều trường hợp không được xem xét nguyện vọng vì vướng quy định… người dân đành đi khiếu nại. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những cò kiện kích động, xúi giục, khiến một số người dân đòi hỏi vô lý. Rồi chuyện các thủ tục xác minh, chứng nhận, cán bộ cơ sở các ngành liên quan thiếu công tâm, không minh bạch nên lại khiếu kiện là không tránh khỏi.

Thế là cái vòng quay luẩn quẩn khó thoát lại diễn ra.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, chính quyền cơ sở gần dân, lại không có nhiều quyền nên có khi cứ họp nát ra để rồi dân cũng mệt mà cán bộ cơ sở cũng mệt.

Xét cho cùng, muốn cho câu chuyện giải phóng mặt bằng, tái định cư đúng tiến độ, các cấp lãnh đạo có thẩm quyền phải xuống với dân, hiểu dân. Và người dân phải hiểu quy định pháp luật, hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình phải hài hòa với lợi ích Nhà nước, lợi ích quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải đến với dân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.