(HNMCT) - Cuối tuần qua tôi đến thăm một người bạn. Trên đường về đến đường Lê Duẩn, đoạn qua cổng Công viên Thống Nhất, lúc ấy vào khoảng gần 11h đêm, chợt thấy các xe phía trước chạy chậm hẳn lại. Thì ra phía trước có vài chục thanh niên nam nữ đầu trần nghênh ngang điều khiển xe máy lượn lờ, đánh võng... Có thể chúng "khởi động” cho cuộc đua xe cuối tuần, hoặc đang tìm kiếm một người hay một nhóm nào đấy để giải quyết ân oán. "Chẳng phải đầu cũng phải tai” nên các phương tiện khác đều “rón rén”, thậm chí dạt sang hai bên...
Chứng kiến cảnh ấy tôi lại nhớ vụ việc cách đây chưa lâu. Cũng một nhóm chừng hai chục “trẻ trâu” 16 - 18 tuổi, cả nam lẫn nữ “tóc xanh tóc đỏ” chở nhau bằng xe máy, rú ga, lượn lờ, hú hét quanh khu vực vườn hoa Lạc Long Quân (người ta thường gọi là “vườn hoa hai con rồng”). Nhìn những mũi dao “phóng lợn” hàn vào đầu ống tuýp nước kéo lê dưới đường đến tóe lửa, dễ hình dung hậu quả nếu không có sự ngăn chặn kịp thời, nghiêm khắc...
Đó là hai chuyện tôi nghĩ đến khi đọc thông tin trên báo mạng về cái chết của một nam sinh lớp 9 do bị đâm bằng vật nhọn trong lúc đá bóng tại sân bóng ở đường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) vào chiều 18-4. Hung thủ là một thiếu niên cùng trang lứa...
Đọc những dòng tin ấy tôi lập tức liên tưởng tới hai chuyện trên và nhiều vụ việc tương tự khác. Những chuyện ấy cho dù xảy ra ở không gian, thời gian khác nhau, đối tượng nhân vật cũng khác, nhưng có một điểm chung là sự xuống cấp về đạo đức trong giới trẻ. Nữ sinh đánh “hội đồng” nhau chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ, bạn bè đứng xem thản nhiên quay clip đưa lên mạng, hay chuyện học trò đánh giáo viên, học trò gây án mạng, thậm chí có em chọn giải pháp quyên sinh vì bị bạo lực tinh thần và thể xác… vẫn diễn ra, bất chấp các bài giảng giáo dục công dân, bất chấp các hội thảo, tọa đàm liên ngành bàn giải pháp năm nào cũng được tổ chức. Tình trạng trẻ trốn học, tụ tập quán xá, nói tục như hát hay, hút thuốc phì phèo… diễn ra như cơm bữa, cho dù là “nam thanh, nữ tú” con nhà gia giáo, “có điều kiện”. Và từ vấn nạn học đường đến tệ nạn xã hội chỉ cách nhau một ranh giới mong manh.
Nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về đạo đức trong giới trẻ đã được bàn luận, mổ xẻ nhiều. Đó là những tác động tiêu cực - mặt trái của đời sống xã hội, sự suy thoái của đạo đức xã hội nói chung, sự du nhập thiếu kiểm soát của làn sóng văn hóa phẩm độc hại, cùng với đó là tâm lý “ẩm ương”, thích nổi trội, muốn khẳng định mình của lứa tuổi học đường… Nhưng nói gì thì nói, trách nhiệm chính vẫn thuộc về gia đình và nhà trường. Con người vốn “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng quá trình lớn lên thiếu sự dạy bảo sát sao của bố mẹ, thậm chí được chiều chuộng, cung phụng thái quá nên sinh ích kỷ, hư hỏng. Nhà trường thì nặng về dạy chữ mà nhẹ phần dạy kỹ năng sống, đạo đức, trách nhiệm công dân… Nhiều giáo viên dù tâm huyết nhưng vì vô số áp lực từ phía lãnh đạo nhà trường và phụ huynh nên chỉ nhắc nhở qua loa, thậm chí thờ ơ, vô cảm… Và khi không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, kỷ luật thì dễ dãi, tất trò hư càng hư, thành gương xấu cho những em khác. Đó là lý do khiến tình trạng suy đồi về đạo đức trong giới trẻ đã đến mức báo động như hiện nay.
Để giảm thiểu tình trạng này phải đề cao tính kỷ luật trong môi trường học đường. Luật Giáo dục đã nêu rõ quyền của người học là “được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh”, đồng thời cũng quy định nhiệm vụ của người học là “Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục, chấp hành quy định của pháp luật”. Bạo lực học đường chính là gây mất an toàn cho người khác, là vi phạm pháp luật, vì vậy phải xử lý thật nghiêm, không để “nhờn thuốc”. Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Phải dạy trẻ thành người trước khi dạy chúng làm “ông nọ, bà kia”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.