(HNMO) – Với 94,98% đại biểu ủng hộ, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sáng 23/11.
Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung 24 điều và bãi bỏ 1 điều của luật hiện hành.
Về công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, Luật sửa đổi quy định, các dự án đầu tư xây dựng phải được công khai, minh bạch về báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.
Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch về nội dung trên và sau khi được phê duyệt phải được công khai về các nội dung đó.
Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Dự án sau khi được quyết định, phê duyệt phải được công khai về nội dung để nhân dân giám sát.
Về công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, theo Luật, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết; các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính; vốn vay ưu đãi; báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; việc lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp; việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước.
Hằng năm, doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung quy định với Bộ Tài chính, bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và Thanh tra Chính phủ. Doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung quy định với Bộ Tài chính, bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ chủ quản. Doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung quy định với Sở Tài chính, sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ, Luật quy định phải công khai, minh bạch việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức; chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động đối với cán bộ, công chức, viên chức; nâng lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác; việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.
Về công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, theo Luật sửa đổi, bản kê khai tài sản này phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử.
Bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân
Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm. Chính phủ sẽ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình.
Cũng theo Luật, các cơ quan có thẩm quyền được xác minh tài sản trong trường hợp có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, Luật quy định, khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải xem xét việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải hủy bỏ quyết định và công bố công khai tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác và khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.