(HNM) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 29-10, ông Vũ Viết Ngoạn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, để các
- Quyết định dừng thí điểm các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước đã được thực hiện và một số đơn vị phải thay đổi mô hình hoạt động. Theo ông việc sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị này nên thực hiện như thế nào?
- Cá nhân tôi cho rằng còn nhiều việc phải làm. Hiện tại, chúng ta mới chỉ xác định, phân định rõ giới hạn, phạm vi hoạt động của các tập đoàn, TCT. Thời gian trước đó, chúng ta đã triển khai mô hình này quá rộng, quá tràn lan, dàn trải và hiện tại chúng ta đang thực hiện đồng bộ nhiều việc nhằm khắc phục tình trạng này. Sau khi phân định phạm vi hoạt động, việc phân định quyền chủ sở hữu tại DNNN cho rõ hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế cũng cần được triển khai. Tiếp đó, chúng ta phải xác định được những chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các tập đoàn, TCT. Bởi bất cứ định chế tài chính nào cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của chuẩn an toàn, hay nói cách khác là phải có hệ thống quản lý rủi ro. Từng DN phải có cơ chế quản trị rủi ro riêng, còn trong bình diện chung của quản lý nhà nước cũng cần phải có những định chế quản lý rủi ro ở cấp độ cao hơn. Đơn cử trước đây, có những tập đoàn, TCT vay tới 10 lần so với vốn chủ sở hữu, như vậy độ rủi ro quá lớn.
Vậy tại sao ta không quy định giới hạn vốn vay, quy định chặt chẽ việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, cũng như cân nhắc những lĩnh vực nào mà các tập đoàn, TCT có điều kiện và có thể làm được… Tất cả những điều này, theo tôi, cần phải có quy định rõ ràng hơn nhằm xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro, từ đó tạo một "van" an toàn để quản lý các DNNN.
- Chính phủ đang xây dựng nghị định về quản lý DNNN với việc phân quyền quản lý với từng cá nhân đại diện cho phần vốn nhà nước tại DN, theo ông đây có phải là hướng đi hiệu quả nhằm tăng cường sức khỏe cho khối DN này?
- Một trong những bất cập lớn nhất của chúng ta là đã để nhiều tập đoàn, TCT lớn chịu sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về nhiều lĩnh vực, không thể dành nhiều thời gian cho việc quản lý các DN. Chúng ta cũng biết, Thủ tướng đã trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN thì có nghĩa sẽ ảnh hưởng tới quyền đại diện chủ sở hữu của các bộ, các địa phương. Cá nhân tôi cho rằng, nghị định đang được soạn thảo sẽ khắc phục những bất cập này và phân bổ trách nhiệm cho từng cá nhân đại diện phần vốn Nhà nước tại DN theo hướng tập trung, cụ thể và phù hợp với thực tế hơn.
- Xin cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.