Với yêu cầu hiện nay, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ người nộp thuế càng quan trọng.
Nhận định được các chuyên gia nêu tại hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”, do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 13-5.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành Thuế đã nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.
Dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung được phân tích, thu thập, từ đó đối soát, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử giúp ngành Thuế phát hiện rủi ro gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...
Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) Ngô Thị Thùy Linh cho hay, quản lý rủi ro tuân thủ là phương thức quản lý thuế hiện đại, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh số lượng người nộp thuế tăng nhanh, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp.
“Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan Thuế phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung quản lý nhóm người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời vi phạm, nâng cao tính tự nguyện của người nộp thuế”, bà Ngô Thị Thùy Linh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc đánh giá, quản lý thuế theo phương pháp phân tích rủi ro, đánh giá tuân thủ người nộp thuế giúp giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Với số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được thực hiện quyết liệt.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị hoàn thiện hệ thống phân tích rủi ro thuế, nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với từng ngành nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.