(HNM) - Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong lúc này trở nên nóng hơn bao giờ hết, bởi không thể chậm trễ thêm nữa khi hậu quả mà xã hội phải gánh chịu là vô cùng nghiêm trọng.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, theo kết quả kiểm nghiệm hằng năm của các bộ, ngành, nếu như tỷ lệ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm trước đây từ 3 đến 5%, thì 10 tháng đầu năm 2015, con số này đã là 10% trở lên. Chỉ 1% hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư vượt ngưỡng đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thì 10% thực sự là con số đáng báo động.
Vậy cần làm gì để quản lý tốt ATTP? Vấn đề này đã được đánh giá, phân tích từ nhiều năm trước, tuy nhiên phải tới Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP mới đây do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, thì lời giải cụ thể cho "bài toán" nêu trên mới được đưa ra. Đó là không thể quản lý ATTP một cách hiệu quả khi nguồn nhân lực mỏng; năng lực nghiệp vụ của thanh tra chuyên ngành ở cơ sở yếu kém; thiếu kinh phí để hoạt động...
Luật ATTP (năm 2010) đã phân công rõ ràng nhiệm vụ trung ương và địa phương. Với việc chia các nhóm ngành hàng, các bộ ngành không còn sự giao thoa như trước. Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn; quản lý phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống, bao bì trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm…; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về ATTP với rau củ quả, thịt cá, trứng sữa, chăn nuôi; Bộ Công thương chịu trách nhiệm ATTP ở lĩnh vực rượu bia, nước giải khát… Nhưng lực lượng và phương tiện trên thực tế lại không đủ năng lực để đảm nhiệm những công việc được giao.
Ngay cả với Cục ATTP (Bộ Y tế), nơi được coi là chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề này thì theo người đứng đầu, cả đơn vị mới chỉ có 7 cán bộ thanh tra, còn trong cả nước, con số đó là 220 thanh tra chuyên ngành. Thêm vào đó, công tác đào tạo cán bộ rất thiếu bài bản, phần nhiều là vừa làm, vừa nghiên cứu, học hỏi. Năm 2001 mới hình thành hệ thống chi cục ATTP ở các tỉnh, thành phố. Hiện đội ngũ cán bộ ở tuyến xã, phường còn trống. Có nơi lại còn buông lỏng quản lý. Kinh phí dành cho ATTP của Việt Nam hiện nay chỉ vào khoảng 1.000 đồng/người/năm, bằng 20-25% của Thái Lan…
Tất cả những vấn đề trên khiến Luật ATTP khó đi vào cuộc sống khi nhân lực, phương tiện và kinh phí dành cho công tác này chưa bảo đảm những điều kiện tối thiểu. Như vậy, muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP thì vấn đề đầu tiên cần tháo gỡ chính là Nhà nước và xã hội cần quan tâm đầu tư mọi mặt để bảo đảm thực phẩm được quản lý chặt chẽ từ nơi sản xuất tới quá trình lưu thông và cuối cùng là sự an toàn trên bàn ăn khi người tiêu dùng sử dụng. Ở đây không thể khuyên người tiêu dùng cần… "thông thái" lựa chọn thực phẩm an toàn, mà cần thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Hy vọng, từ người đứng đầu Chính phủ đã thấy rõ đâu là căn nguyên của vấn đề trên, những khúc mắc trong quản lý ATTP của các cơ quan chức năng sẽ được nhanh chóng giải quyết trong thời gian tới, mà vấn đề "đầu tiên" - nghĩa là nhân lực và kinh phí dành cho việc này sẽ được bảo đảm những điều kiện cần thiết để hoạt động hiệu quả. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội như Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong vòng 3-4 tháng tới sẽ có những xe chuyên dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế được thành phố nhập khẩu về để có thể xét nghiệm các tiêu chí đủ điều kiện an toàn đối với các mẫu thực phẩm được lưu thông trên thị trường.
Việc thực hiện hiệu quả Luật ATTP, làm tốt công tác quản lý ATTP trong thời gian tới sẽ giúp cho các cơ quan chức năng rút ra những bài học cụ thể về cách thức triển khai, hiện thực hóa những vấn đề, quyết sách lớn trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.