Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải chủ động từ nhiều phía!

Dục Tú| 07/03/2016 06:15

(HNM) - Bức tranh dịch bệnh toàn cầu và trong nước hiện nay đặt ngành Y tế vào trạng thái thường trực, sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta không thể chủ quan bởi ngoài biên giới, dịch bệnh do vi rút Zika đang có diễn biến khó lường, không loại trừ khả năng sẽ xâm nhập nước ta.

Ở trong nước, sau mùa xuân - hè 2014 lao đao bởi dịch sởi bùng phát với mức độ khủng khiếp nhất trong vòng vài thập niên trở lại, khiến hàng trăm người tử vong, gần đây, chúng ta lại phải đối diện với mối nguy từ bệnh viêm não mô cầu - đã xuất hiện ở một loạt tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Đó là chưa kể những loại bệnh xuất hiện theo mùa khác, bệnh do điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, do môi trường sống xấu đi…

Càng ngày thì ngành Y tế càng có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và điều kiện cho phần việc này cũng dần được nâng cao. Tâm thế cũng có sự khác, không chờ dịch hiện hữu thì mới động tay chân, mà có phương án trước - cả với công tác phòng dịch cũng như dập dịch. Như với Zika, dịch bệnh do loại vi rút nguy hiểm này gây ra còn "ở xa" nhưng ta đã có sẵn phương án với nhiều cấp độ. Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai từ nhiều năm, dù còn có hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận tính hữu ích, đang ngày một hoàn thiện và ngày càng được quan tâm với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"…

Trong bối cảnh hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, trong đó, ý thức chủ động bảo vệ mình, tự giác và chủ động tham gia công tác phòng dịch của nhân dân là điều vô cùng quan trọng. Nhìn lại những lần chúng ta phải gồng mình dập dịch nguy hiểm, từ dịch tay chân miệng đến các loại dịch cúm do vi rút, rồi là sởi, sốt xuất huyết…, càng thấy rõ vai trò to lớn của cộng đồng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Vấn đề là hiện nay, vai trò đó được cộng đồng thể hiện như thế nào?

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ý thức tự bảo vệ mình cũng như ý thức tự giác tham gia thực hiện phương án phòng dịch của nhiều người còn chưa tốt. Mặc cho nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn, nhiều người vẫn chọn tiết canh. Nhiều nơi xả thải vô tội vạ. Hàng quán mọc lên tại những nơi ngập rác và nước thải. Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa phát huy đầy đủ hiệu quả, ngoài nguyên nhân chuyên môn thì còn do một số người chưa ý thức được sự cần thiết của việc cho trẻ tiêm phòng "đúng lịch, đủ mũi". Mặc ngành Y tế ra sức khuyến cáo về tình trạng "tự kê đơn bốc thuốc", lạm dụng kháng sinh, không biết bao nhiêu người vẫn tự mua thuốc về điều trị cho bản thân và người thân thay vì tới cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị…

Bài học thực tế khẳng định tính đúng đắn của phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", quan điểm về sự cần thiết của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như tầm quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở. Không chờ dịch tới rồi mới chống, mà phải chuẩn bị và thực hiện phương án phòng dịch thường xuyên, chủ động, đó là quan điểm phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, muốn công tác phòng dịch bệnh thu được hiệu quả cần thiết, điều quan trọng là có được sự toàn tâm toàn ý tham gia phòng bệnh từ phía người dân. Để có được điều đó, trước hết, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về sự cần thiết phòng bệnh một cách thiết thực; nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường. Thứ hai, cần phải loại bỏ những khiếm khuyết còn tồn tại trong việc thực hiện quy trình phòng bệnh, đặc biệt là với Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Và, cuối cùng là nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh trong toàn hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải chủ động từ nhiều phía!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.