Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 26-6-2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp, kiểm tra về tình hình sản xuất và cung ứng điện tại một số nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và cung ứng than trong nước cho sản xuất điện.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã có các chỉ đạo từ sớm, từ xa (từ tháng 12-2021) đến các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước về thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cũng như các giải pháp ứng phó với khó khăn về cung ứng điện cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả, tất cả vì mục tiêu chung là phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Theo báo cáo của EVN, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc hiện nay (đến ngày 11-6-2023) vẫn còn đang rất khó khăn và chưa được cải thiện nhiều do lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn tại miền Bắc còn ở mức rất thấp, đồng thời tình trạng nắng nóng gay gắt ở nhiều nơi dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt của nhân dân tăng cao.
Để góp phần khắc phục khó khăn về cung ứng điện hiện nay, Thủ tướng yêu cầu EVN, TKV và chủ đầu tư các nhà máy điện bị sự cố cần tập trung nguồn lực, nỗ lực cao nhất để khắc phục sự cố, sớm đưa các nhà máy này vào vận hành trở lại, đồng thời, thực hiện tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để duy trì sản xuất, đảm bảo cho nhà máy vận hành đúng công suất, an toàn cho sản xuất, lao động; Bộ Công Thương, EVN và các cơ quan liên quan cần chủ động hướng dẫn, khuyến khích, sáng tạo trong việc tăng cường thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã bảo đảm cung cấp than trong nước cho các nhà máy điện thời gian qua. Yêu cầu đặt ra đối với ngành than là phải nỗ lực hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để tiếp tục phát triển; phải bảo đảm cung ứng đủ than trong nước cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác; phấn đấu các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tăng 10 - 15% so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, quyết định theo quy định và thẩm quyền.
Về kiến nghị được giao kế hoạch xuất khẩu than dài hạn để chủ động xuất khẩu các loại than chất lượng cao (trong nước không có nhu cầu sử dụng), Thường trực Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện, trong đó giao Bộ Công Thương nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện cho ngành than, khí có kế hoạch sản xuất dài hạn, ổn định, đem lại lợi ích, hiệu quả cao nhất, tốt nhất cho đất nước (Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 13-4-2022 của Văn phòng Chính phủ). Yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xử lý theo thẩm quyền nội dung kết luận của Thường trực Chính phủ nêu trên, trong đó có xem xét kiến nghị của TKV về kế hoạch xuất khẩu than dài hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền trong tháng 6-2023.
Về kiến nghị giao TKV chủ trì thăm dò, phát triển công nghiệp sản xuất alumin, nhôm tạo động lực dẫn dắt phát triển công nghiệp tại các tỉnh vùng Tây nguyên, Thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước để hướng dẫn TKV có hồ sơ đề xuất cụ thể và xử lý theo quy định và theo thẩm quyền trong tháng 6-2023.
Về kiến nghị cho chủ trương, định hướng để giải quyết Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê và Cromit Cổ định Thanh Hoá. Cụ thể, đối với Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kỹ, toàn diện các vấn đề liên quan đối với Dự án này để hoàn thiện, báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị về chủ trương đối với Dự án (Đề án trình Bộ Chính trị). Yêu cầu TKV phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng Đề án bảo đảm đúng tình hình, khách quan, khoa học, vì lợi ích chung, không tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị.
Đối với Dự án Cromit Cổ Định - Thanh Hoá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác với đối tác trước đây theo quy định, bảo đảm lợi ích quốc gia, không để phát sinh tranh chấp với bên nước ngoài trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Hoàn thành việc này trong tháng 7-2023.
Về kiến nghị sửa đổi hướng dẫn liên quan xuất khẩu tinh quặng đất hiếm, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về kiến nghị được tận dụng tối đa các sản phẩm đất đá từ quá trình khai thác mỏ vào các mục đích sử dụng khác nhau, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có kết luận chỉ đạo việc này tại Thông báo số 139/TB-VPCP ngày 19-4-2023 của Văn phòng Chính phủ; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định phân loại vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản để có quy định, quy trình quản lý phù hợp, tận dụng tối đa đất đá thải mỏ phục vụ phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm và triển khai kinh tế tuần hoàn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc này trong tháng 7-2023.
Về kiến nghị phê duyệt Đề án cơ cấu lại TKV giai đoạn 2021-2025 giúp nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện Đề án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để trình duyệt theo quy định trong tháng 6-2023. Cần lưu ý tái cơ cấu lại TKV phải trên quan điểm phát triển với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước.
Về kiến nghị cho phép tăng vốn điều lệ của TKV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, gắn với việc tái cơ cấu lại TKV trên quan điểm phát triển với tầm nhìn dài hạn.
* Theo Cục điều tiết điện lực, hiện tại miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày.
Đối với khu vực miền Trung và Nam, đảm bảo cung cấp điện và không phải chạy dầu trong thời gian tới. Trong một số trường hợp phụ tải tăng cao bất thường hoặc sự cố nhiều nguồn nhiệt điện, có thể linh hoạt huy động các nguồn chạy dầu DO để đáp ứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.