(HNM) - Là người đam mê sáng tạo, không bằng lòng với những
Ông Giáp với vườn cây thập quả của gia đình. |
Người nông dân mê sáng tạo
Bà Lê Thị Thanh chẳng thể đếm hết những khó khăn, cực nhọc đã từng trải qua từ những ngày đầu về làm vợ ông Giáp. Nhiều ngày triền miên, hai vợ chồng đi khắp các chợ Hà Tây (cũ), Hà Nội buôn từng mớ rau. Thấy công việc nào mang lại hiệu quả kinh tế, ông bà chẳng quản ngại khó khăn, làm cho bằng được. Quanh năm mồ hôi ướt áo, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cuộc sống gia đình vẫn khó khăn, túng quẫn.
Nghèo khó càng khiến ông Giáp nuôi ước mơ làm giàu. Năm 2000, ông về Văn Giang, Hưng Yên thăm bạn cũ. Thấy dân Văn Giang làm giàu nhờ trồng cam, sẵn tính hay lam hay làm, ông mua ngay giống về trồng thử nghiệm. Vừa làm, ông vừa chạy ngược xuôi học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn của xã, của huyện. Ấy vậy mà, trời chẳng "mềm lòng". Đất vườn không phù hợp với cây cam. Thất bại! Hoảng quá, ông Giáp lại phải một lần nữa tìm về Hưng Yên nhờ bạn truyền dạy thêm kiến thức trồng cam.
Sau những ngày mày mò học hỏi, ý tưởng hạ độ pH cho đất bằng cách rải vôi và tro rơm nảy nở trong đầu người nông dân chân chất. Nhờ tính cần cù, ham học, vụ cam đầu tiên của gia đình ông Giáp thu lãi hơn 20 triệu đồng. Từng bước, cuộc sống gia đình trở nên khấm khá hơn, những ngày tháng chật vật với 3 bữa cơm chỉ còn trong quá khứ.
Những người tiếp xúc với ông Giáp đều thấy, ông không biết bằng lòng với những gì đang có. Trong đầu ông luôn khát khao sự sáng tạo, luôn muốn thay đổi. Ông ấp ủ dự định làm ra một sản phẩm mang lại thương hiệu của riêng mình chứ không chỉ làm theo, bắt chước. Ông bảo: "Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy nông dân chúng tôi không chỉ biết quần quật với công việc nhà nông mà còn biết sáng tạo, biến nó thành một thứ nghệ thuật".
Nhiều đêm thao thức, ông một mình dạo quanh vườn cam để tìm ý tưởng cho mình. "Ông ấy cứ lặng lẽ làm một mình, tự suy tính, lên ý tưởng chứ không hỏi ý kiến tôi đâu. Vì ông ấy biết phụ nữ thường hay lo xa, sợ làm lớn. Tôi biết tính chồng nên cứ kệ, để ông ấy có ý tưởng gì thì cứ làm. Tôi chỉ động viên và làm theo ý ông ấy thôi", vợ ông Giáp nhớ lại.
Ấp ủ cả năm trời, năm 2006, ý tưởng "biến" một cây có tới 5 loại quả bắt đầu được ông Giáp đưa vào thử nghiệm. Ông chọn bưởi làm gốc cây trổ, chọn 5 loại quả là bưởi, phật thủ, cam, quất và quýt - tượng trưng cho "mâm ngũ quả" ngày Tết để ghép lên cây.
Khi đó, để có tiền trang trải, gia đình vay lãi ngân hàng hàng chục triệu đồng đầu tư cho ý tưởng của ông. Năm đầu tiên thất bại. Năm đó, ông Giáp trồng khoảng 30 cây và toàn bộ số cây đó phải bỏ đi bởi ghép không thành công. Năm thứ 2, năm thứ 3, ông Giáp vẫn chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Lần nào ghép, ít nhất một đến hai quả cũng chín rộ trước Tết.
Những ngày chứng kiến cây thập quả sai hẹn với Tết, ông thường ngồi hàng giờ liền ngoài vườn, nghiền ngẫm những thất bại. Mỗi lần mắc sai lầm, ông lại tiếp tục rút kinh nghiệm. Không hề nản lòng, càng thất bại, ông càng thấy mình đến gần với thành công hơn. Ông tính toán kỹ lưỡng thời gian ra hoa của từng loại quả và chọn thời điểm cắt ghép phù hợp. Ông xây dựng lại kế hoạch. Bưởi Diễn, cam Canh được ghép từ tháng 5 Âm lịch, quất và quýt ghép vào tháng 8, tháng 9, phật thủ ghép vào khoảng tháng 10, tháng 11. Để quả ghép phát triển bình thường trên thân cây mới, ông Giáp phải khéo léo ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật cực kỳ chuẩn xác, tương xứng.
Hằng năm, từ tháng 6 Âm lịch, ông Giáp bắt đầu đi tìm kiếm thân cây bưởi, cây cam có thế đẹp về làm gốc. Sau đó, ông tìm chọn các loại quả cần ghép rồi tiến hành công việc cấy quả vào thân. Trải qua 6 tháng chăm sóc liên tục, đúng vào dịp cận Tết, các cây này sẽ có đủ số lượng quả ông muốn.
Tất cả các loại quả, thân cây đều là nguồn sẵn có trong vườn nhà. Vì vậy, ông Giáp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Rộn rã ngày mùa
Năm 2010, lần đầu tiên ông Giáp ra mắt sản phẩm cây ngũ quả trong sự trầm trồ, kinh ngạc của bà con trong thôn, xã. Ông phấn khởi kể: "Hồi ấy đã có ai biết đến cây ngũ quả đâu. Tôi trồng được bao nhiêu mang đi cho anh em hàng xóm về trưng tết, ở hội làng. Nhiều người về dự hội thấy cây lạ và đẹp nên chụp ảnh, đưa lên mạng. Cứ thế, cây ngũ quả của tôi ngày càng nổi tiếng".
Sau nhiều năm cải tiến, sáng tạo thêm, cây ngũ quả giờ đây đã có tới 10 loại quả khác nhau: Bưởi Diễn, bưởi hồng, bòng, rồi phật thủ, cam canh, quýt, quất, chanh...
Chúng tôi về thăm vườn cây quả của gia đình ông Lê Đức Giáp khi xuân đang về rất gần. Khu vườn tấp nập khách ghé thăm. Có người đến đặt mua quả, có người chỉ vì tò mò muốn xem đúng có loại cây có đến 10 loại quả hay không. Trẻ con, người lớn tìm đến, ai cũng trầm trồ khen ngợi, tỉ tê ngắm vuốt quả sum suê trên cành. Khách hàng ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa,... cũng đến tận vườn nhà ông chọn dáng cây và đặt mua nhân dịp Tết về. Anh Trần Văn Vương (Đống Đa, Hà Nội) thích thú: "Tôi mới chỉ được nghe người bạn nói về cây thập quả này, tò mò quá nên xuống tận nơi xem. Một ý tưởng quá tuyệt vời. Dù kinh tế không tốt lắm nhưng tôi cũng cố gắng đặt một cây trưng Tết, hy vọng tài lộc về nhà".
Không dừng lại ở việc ghép quả, mấy năm gần đây, ông Giáp bắt đầu tạo dáng bonsai cho cây, khiến khách mua hàng càng thêm thích thú. Tết năm nay, đáp ứng nhu cầu của khách, gia đình ông cung ứng ra thị trường khoảng hơn 200 cây ngũ quả, giá cây dao động từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khách quen của gia đình ông đã đặt mua khoảng 1/3 số cây từ cuối tháng 11 Âm lịch. Dịp Tết, ông bà phải thuê thêm 5-7 nhân công để phụ giúp tạo dáng cho cây, tỉa cành và vận chuyển cây cho khách.
Để cây thập quả càng thêm độc lạ, ông Giáp đã tạo các khuôn in chữ Tài, Lộc, Phát lên bưởi phục vụ khách hàng. Mỗi cây có in chữ như vậy, ông bán với giá 6-10 triệu đồng, cây nhỏ hơn có giá 2-3 triệu đồng.
Từ ngày cây thập quả cho thu hoạch, đời sống gia đình ông Lê Đức Giáp khấm khá hơn hẳn. Không chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế gia đình, ông Giáp còn đi các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình,... để truyền dạy kỹ năng, kinh nghiệm cho bà con nông dân ở các tỉnh.
Với nỗ lực không ngừng, những năm qua, gia đình ông liên tục đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố"; được UBND thành phố tặng Bằng khen; ông được mời đi dự Festival trái cây lần thứ nhất ở Tiền Giang, được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tặng Giấy khen "Nhà vườn sáng tạo". Ông cũng được công nhận là công dân Thủ đô ưu tú năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.