Công nghiệp văn hóa

Ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội: “Đặt lợi ích chung lên trên hết”

Hoàng Bình Phương 11/06/2024 13:38

Để thu hút được những ngôi sao quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, tham gia các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam với mức chi phí ít tốn kém đòi hỏi nhà tổ chức có kỹ năng tổ chức chuyên nghiệp, cách làm bài bản. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội - đơn vị đã có kinh nghiệm làm việc với rất nhiều nghệ sĩ, đơn vị tổ chức quốc tế.

3(2).jpg

Việt Nam có sức hút lớn đối với các ngôi sao quốc tế

- Thưa ông, sự xuất hiện của các nghệ sĩ quốc tế tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mang đến hiệu quả ra sao trong việc quảng bá, thu hút khách du lịch?

- Việc các nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam biểu diễn, tham dự sự kiện do nước chủ nhà tổ chức mang lại những giá trị khó có thể đong đếm. Một buổi biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới có thể thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế, có thể mang lại hiệu quả tuyên truyền, quảng bá lớn hơn những chiến dịch truyền thông bình thường. Tôi lấy ví dụ như sự kiện nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink biểu diễn ở Hà Nội vào năm ngoái đã thu hút rất nhiều du khách từ Thái Lan, Singapore, Malaysia... Bên cạnh đó là những dịch vụ “ăn theo” như lưu trú, ăn uống, mua sản phẩm quà tặng. Điều đó cho thấy lợi ích của việc tổ chức sự kiện quốc tế có sự góp mặt của những ngôi sao thế giới. Mặt khác, qua các sự kiện này, chúng ta cũng khẳng định được năng lực và tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để chúng ta phát triển Công nghiệp văn hóa, tăng sức hút của điểm đến cũng như tăng nguồn thu cho ngành du lịch, cơ sở dịch vụ, mua sắm...

- Là người có nhiều kinh nghiệm về tổ chức sự kiện mang tính quốc tế, theo ông, Việt Nam có tiềm năng thu hút những nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn hay không?

- Việt Nam có nhiều lợi thế để hấp dẫn nghệ sĩ quốc tế. Chúng ta có bề dày văn hóa, tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, hiểu biết, yêu nghệ thuật. Việt Nam cũng là quốc gia thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế; điều kiện về hạ tầng đang dần tốt hơn, năng lực tổ chức sự kiện mang tính chuyên nghiệp, hiện đại. Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều nghệ sĩ quốc tế bày tỏ mong muốn đến Việt Nam biểu diễn, làm việc. Chúng ta cũng thường xuyên mời các nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn.

- Đúc rút kinh nghiệm từ 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, theo ông, điều khó khăn nhất khi làm việc với các nghệ sĩ quốc tế là gì?

- Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn của nghệ sĩ trong nước và quốc tế, ở đó chúng tôi ít gặp trở ngại, khó khăn. Chúng tôi luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lên kế hoạch rõ ràng nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài và các nghệ sĩ quốc tế. Theo tôi, khó khăn lớn nhất khi làm việc với các nghệ sĩ quốc tế, đó là họ làm việc rất chuyên nghiệp, có đòi hỏi khắt khe về điều kiện biểu diễn, kỹ thuật, hạ tầng, bản quyền... Khi làm việc, chúng ta cần phải nắm vững điều này và có sự thương thảo kỹ càng ngay từ đầu với đối tác. Khi chúng ta làm chuyên nghiệp, bài bản, thì các đối tác quốc tế sẽ muốn hợp tác với chúng ta.

Cần có kế hoạch bài bản

- Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2024, hai ban nhạc đình đám là Westlife và 911 đến Việt Nam biểu diễn và Trung tâm tổ chức biểu diễn của Nhà hát Lớn Hà Nội đảm nhận một phần trong khâu tổ chức liveshow của họ. Sự kiện này đã tạo sức hút rất lớn với công chúng. Ông kỳ vọng gì về hiệu ứng từ những sự kiện này?

- Ngay khi chúng tôi thông tin về đêm diễn của Westlife và 911, trang fanpage và facebook về sự kiện này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, trong đó có rất nhiều khán giả 8x, 7x. Năm ngoái, hai nhóm nhạc đã có những đêm biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh, tạo được tiếng vang. Ở lần biểu diễn này, chúng tôi đón khoảng 15.000 lượt khán giả trong 2 đêm diễn (ngày 4 và 5-6). Chúng tôi hy vọng sự kiện tạo thêm “cú hích” để có nhiều sự kiện quốc tế khác được tổ chức tại Việt Nam, từ đó hấp dẫn du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

- Mời các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả lớn về quảng bá, thu hút khách du lịch, nhưng kinh phí tổ chức thường rất cao. Theo ông, với nguồn lực còn nhiều hạn chế của các đơn vị tổ chức trong nước, làm thế nào để có được sự hợp tác quốc tế hiệu quả mà không mất quá nhiều chi phí?

- Đúng là để mời được những nghệ sĩ quốc tế vào hàng “ngôi sao”, chúng ta phải chi một khoản kinh phí lớn và phải đáp ứng rất nhiều điều kiện mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể có được hiệu quả hợp tác tốt với nguồn kinh phí vừa sức. Điều quan trọng là cách chúng ta làm việc với đối tác như thế nào. Đôi khi kinh phí không phải là yếu tố quyết định đến hiệu quả truyền thông.

Tôi lấy ví dụ như vừa qua, nghệ sĩ kèn saxophone Kenny G đến Việt Nam biểu diễn và đã đồng ý thực hiện MV “Going home” quảng bá du lịch Hà Nội, mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút người xem. Điều quan trọng là Kenny G làm việc đó với một tâm thế rất thoải mái và không đòi hỏi nhiều về kinh phí. Sau sự kiện, và nhất là việc ra mắt MV “Going home”, Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều. MV của Kenny G được phát trên các kênh truyền thông của Việt Nam, trên máy bay và thậm chí còn được phát trên các nền tảng mạng xã hội của chính Kenny G. Điều này nói lên rằng, chúng ta hoàn toàn có thể có được những sản phẩm quảng bá tốt từ những ngôi sao quốc tế mà không quá tốn kém.

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để có được những sản phẩm quảng bá đạt hiệu quả như trường hợp của nghệ sĩ Kenny G?

- Khi làm việc với các đối tác quốc tế, chúng ta cần phải đặt vấn đề ngay từ đầu về các hoạt động truyền thông, quảng bá bên lề sự kiện để đạt được những thỏa thuận hợp lý. Tôi lấy ví dụ như khi các ban nhạc quốc tế Westlife và 911 đến Hà Nội biểu diễn, chúng tôi đã đặt vấn đề về việc các ban nhạc đó sẽ xuất hiện và quảng bá hình ảnh tại một số địa điểm du lịch của Thủ đô như Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay không gian “Vườn âm nhạc” tại Nhà hát Lớn Hà Nội... Khi chúng ta đưa ra thỏa thuận ngay từ đầu thì sẽ đạt được hiệu quả với mức kinh phí không quá tốn kém.

- Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của các đơn vị tổ chức. Vậy các đơn vị cần phải bảo đảm những yếu tố gì để tạo được hiệu quả trong khâu tổ chức, thu hút và làm hài lòng các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn?

- Các đơn vị tổ chức Việt Nam cần phải tăng tính chuyên nghiệp, khoa học khi làm việc. Hiện nay, điều kiện tổ chức của ta khá tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế nhưng yếu tố nhân lực vẫn cần phải được đào tạo, nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp. Một điều quan trọng nữa, các đơn vị tổ chức khi làm việc với các đối tác nước ngoài cần phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Chúng ta muốn những nghệ sĩ quốc tế quảng bá hình ảnh đẹp cho đất nước, con người Việt Nam thì chúng ta phải cho họ thấy mình đang làm việc với tâm thế phụng sự Tổ quốc. Khi đã tạo được tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng thì mọi sự hợp tác đều đạt được hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội: “Đặt lợi ích chung lên trên hết”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.