(HNM) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ nay tới cuối năm 2017 của Chính phủ là làm sao để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%.
Sáng 17-4, trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm đánh giá công tác điều hành giá quý I-2017 và định hướng hoạt động, phối hợp điều hành trong 9 tháng còn lại của năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải kiểm soát lạm phát dưới 4% để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời đạt mục tiêu chuyển một phần giá các dịch vụ công sang cơ chế thị trường. Điều đó cho thấy, Chính phủ đã xác định “đúng bệnh” và kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng thông qua những giải pháp đã được kiên trì thực hiện trong suốt thời gian qua.
Trước những thách thức như trên, có thể thấy trong những tháng còn lại của năm 2017 cần tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được thực hiện từ năm 2011 đến nay. Cụ thể là các bộ, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu nhằm ổn định thị trường, tăng cường quản lý giá trên địa bàn. Đồng thời, kết hợp thực hiện các chính sách phục hồi tăng trưởng như: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (đầu tư công) ở mức độ nhất định.
Trong dài hạn, để bảo đảm kiểm soát lạm phát và duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt cần mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (dựa trên mở rộng đầu tư và tín dụng, sử dụng lao động giản đơn giá rẻ, khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công xuất khẩu) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên trình độ công nghệ cao, năng suất lao động cao, nhân lực trình độ cao, kỹ năng quản trị hiện đại, xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao).
Thứ hai, kiểm soát tốt cơ cấu và chất lượng tín dụng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 tương đối cao (khoảng 20%) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ, nhằm bảo đảm tín dụng được đưa vào sản xuất - kinh doanh và tránh không dồn quá mức vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ trở thành bong bóng, gây sức ép đẩy giá cả lên cao, như bất động sản và chứng khoán...
Thứ ba, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiên quyết xây dựng nền “hành chính phục vụ”. Bởi có thể nói, sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận, yên tâm. Thời gian qua, “nút thắt” này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết tâm tháo gỡ thông qua việc mở rộng “cánh cửa” để cấp dưới có thể gọi điện trực tiếp báo cáo, xin ý kiến, tránh tình trạng thụ động chờ công văn, mực đen, dấu đỏ về đến địa phương, cơ sở thì đã muộn; doanh nghiệp, công dân cũng có thể phản ánh ý kiến của mình tới Chính phủ...
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần thực thi nghiêm chỉnh Luật Ngân sách nhà nước, kiên quyết cắt giảm những khoản chi không hoặc chưa cần thiết như: Khánh thành, khởi công các công trình; đi công tác nước ngoài… để dành nguồn tiền này chi cho mục tiêu phát triển, an sinh xã hội.
Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đòi hỏi những động thái quyết liệt hơn nữa. Bởi xét cho cùng, nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì những giải pháp phục vụ mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ khó thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.