(HNNN) - Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sông Hồng, người Thăng Long - Hà Nội luôn nuôi ước vọng chế ngự lũ lụt ở Đồng bằng sông Hồng. Cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn coi trọng công cuộc trị thủy, chống lũ lụt đe dọa cuộc sống của người dân, đồng thời nghiên cứu, phát triển một không gian đô thị mới phù hợp với thực tiễn, hài hòa với thiên nhiên.
Đắp đê trị thủy
Từ ngàn đời nay, dòng sông Hồng là nguồn cung cấp nước tưới cho hệ thống nông nghiệp của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, là tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng. Do nhu cầu phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư đô thị, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên sông Hồng dần dần được hình thành và gia cố. Từ các đoạn đê riêng lẻ đã hình thành nên các tuyến đê dọc theo hai bờ sông, tạo nên một hệ thống lớn với đầy đủ các cấp đê, từ đê bao, đê bối đến đê cấp đặc biệt. Đê sông Hồng trở thành một hợp phần của lịch sử thành phố và vai trò phòng chống lũ bảo vệ Thủ đô của nó chưa hề đổi thay suốt hơn một thiên niên kỷ đã qua.
Chính vì vậy, cho dù toàn bộ hồ chứa ở thượng lưu các dòng sông lớn đã được xây dựng, quy hoạch hệ thống đê điều Hà Nội vẫn nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ nhưng được thiết lập trên quan điểm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xây dựng, quản lý, vận hành. Đê Hà Nội tương lai vừa hiện đại, vừa kế thừa truyền thống nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống đê của lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình. Hệ thống đê Hà Nội tương lai dự kiến có tổng chiều dài lên tới 169km, nhiều tuyến đê dự kiến được nâng cấp. Trong đó, toàn tuyến đê ở hữu ngạn sông Hồng đều trở thành đê cấp đặc biệt được bê tông hóa.
Điểm đặc biệt của quy hoạch đê điều là sự hình thành các tuyến đê chính mới ở phía sông bảo đảm chống lũ với mực nước thiết kế tại Hà Nội là 13,1m, kết hợp với xây dựng đường có bề rộng 40m để phục vụ giao thông. Trong đó, 38,2km đê chính mới được hình thành dọc theo chỉ giới thoát lũ ở bờ Bắc sông Hồng. Ở hữu ngạn sông Hồng, 16km đê chính mới sẽ hình thành. Có đoạn hình thành từ việc nâng cấp các đê bối. Đó là tại: Thượng Cát - Liên Mạc, Nhật Tân - Tứ Liên. Từ Tứ Liên đến Vĩnh Tuy sẽ hình thành một tuyến đê mới. Quan điểm quy hoạch đê điều đã có sự tích hợp với quy hoạch xây dựng khi hình thành các tuyến đê mới để bảo vệ các khu vực dân cư cũ hoặc để hình thành các khu vực phát triển đô thị mới dọc theo hành lang thoát lũ sông Hồng.
Hành lang thoát lũ
Từ khi mạng lưới hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên hệ thống lưu vực sông Hồng, sông Đà hoàn chỉnh, mực nước sông có xu hướng suy giảm. Người dân vùng bãi các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, dần quen với việc không còn báo động lũ trên sông Hồng - mực nước hiếm khi đạt đến mức báo động lũ cấp I là 9,5m. Nhưng người Hà Nội và nhân dân miền Bắc nói chung chẳng thể nào quên trận lụt lịch sử cách đây tròn nửa thế kỷ. Năm 1971, mức nước sông Hồng ở Hà Nội lên tới 14,13m; nếu không vỡ đê và không phân lũ thì sẽ đạt mức 14,80m. Mức nước vượt mực nước báo động 3 (11,5m) hơn 3m và qua cả chiều cao thiết kế của đê. Những tổn thất về người và của từ trận lũ lụt năm ấy luôn là bài học để đời cho các thế hệ mai sau.
Chính vì vậy, quy hoạch đê điều và quy hoạch xây dựng luôn quan tâm đặc biệt đến hành lang thoát lũ sông Hồng. Ở nơi đó, hiện nay, phần đất bãi nằm trong khu vực từ hành lang thoát lũ đến mép sông đang có thực trạng sử dụng phức tạp, còn phần lòng sông lại đang có những biến đổi về dòng chảy, chế độ thủy văn dưới tác động của sự vận hành hệ thống hồ đầu nguồn và tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo thời gian, lòng sông bị bồi lắng, dần cao hơn phần đô thị phía trong đê, khiến sông Hồng trở thành dòng sông “treo”. Nhiều hiện tượng tự nhiên đã thay đổi cùng với sự thay đổi về chế độ thủy văn của sông Hồng. Lượng nước từ sông Hồng chuyển sang sông Đuống gia tăng rõ rệt - tối đa lên đến 30%. Đặc điểm hình thái dòng chảy sông Hồng từ Đông Lai tới Vạn Phúc không ổn định, thường xuyên thay đổi theo mùa. Đặc biệt, đoạn sông từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương có sự biến động lớn nhất. Điều này dễ dàng thấy được qua sự di chuyển bãi giữa Nhật Tân và sự thay đổi lạch chính và phụ. Sự thay đổi này cũng làm ảnh hưởng đến sự ổn định đường bờ, bãi sông, dẫn đến tình trạng bờ sông bị sói lở, gây khó khăn cho giao thông cũng như sự an toàn của vùng bãi ven sông.
Vùng đất bãi nằm kề cận mép sông đã được xác định nằm trong hành lang thoát lũ tại Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg năm 2016. Những khu vực đất bãi này, ở khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, xuất hiện tình trạng sử dụng đất rất phức tạp. Nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới các khu xây dựng lấn chiếm. Lối sống quay ra sông và dựa vào dòng nước của người dân tại các làng xóm lâu đời tại Võng La - Hải Bối (Đông Anh), Đông Ngạc - Nhật Tảo (Bắc Từ Liêm), Bắc Cầu - Bồ Đề (Long Biên) và Bát Tràng - Gia Lâm dần thay đổi, dân cư ven sông ngày một nhiều lên cùng với sự gia tăng về mật độ xây dựng. Việc di dời các khu vực dân cư với quy mô lên đến 92.840 người để hình thành lòng dẫn thoát lũ trong trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế hoặc xảy ra sự cố vỡ đập cũng như sự cố khác đối với các hồ chứa nước lớn ở thượng nguồn, là rất khó khăn.
Ước mơ cho một không gian mới
Dường như đã xuất hiện tâm lý chủ quan khi nhiều năm nay Hà Nội không còn phải đối diện với lũ nguy hiểm trên sông Hồng. Việc quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương gặp muôn vàn khó khăn và có phần lơi lỏng bởi các hình thức lấn chiếm, xây dựng không phép diễn ra phức tạp. Và, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tính khả thi khi đặt ra yêu cầu di dân tại các khu vực cư trú ổn định lâu đời là không cao, đặc biệt là ở khía cạnh kinh tế - xã hội.
Ổn định dòng chảy của sông Hồng trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay là hoàn toàn có thể. Một chương trình phát triển đô thị sông Hồng với tiền đề là dự án ổn định dòng chảy của sông cần được đặt ra đồng thời với việc phát triển tuyến đường dọc theo hành lang thoát lũ. Tuyến đường đồng thời là tuyến đê bảo vệ cho đô thị mà cũng là bước khởi đầu cho những dự án thành phố bên sông. Thành phố mới của những không gian tự nhiên thích ứng với mọi điều kiện tự nhiên. Vừa là cảnh quan thiên nhiên trong lòng đô thị bên cạnh dòng chảy của sông lúc hiền hòa, đồng thời vẫn có thể chứa lũ khi cần để bảo vệ an toàn cho Thủ đô.
Đó chính là ước mơ cho một không gian phát triển mới tương lai bên sông Hồng của Thủ đô. Một không gian không còn ngăn cách đô thị với dòng sông. Một dòng sông thực sự là hợp phần không gian của đô thị Hà Nội văn hiến - văn minh và hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.