(HNM) - Dù đã bước vào mùa mưa lũ nhưng tiến độ xử lý bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội rất chậm. Thực tế này không chỉ vi phạm pháp luật đê điều mà còn gia tăng rủi ro thiên tai, đe dọa an toàn các tuyến đê. Khắc phục tình trạng này, các địa phương cần quyết liệt, xử lý dứt điểm vi phạm hành lang thoát lũ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi.
Còn nhiều bãi chứa không phép
Theo quy định của Luật Đê điều và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 15-6 đến 15-10 hằng năm, các địa phương phải nghiêm cấm hoạt động khai thác cát, dừng tập kết và hạ thấp độ cao bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông, ven đê để tăng khả năng lưu thoát lũ, bảo đảm an toàn các tuyến đê. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên.
Điển hình tại bờ hữu sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) còn 4 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chưa giảm chiều cao chất tải xuống dưới 3m. Đặc biệt, trên tuyến đê Vân Cốc, đoạn thuộc địa bàn xã Xuân Đình và Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) có 3 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ngang nhiên hoạt động dù chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép. Tương tự, tại xã Thống Nhất và Hồng Vân (huyện Thường Tín) còn 13 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động nhưng không có giấy phép...
Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 152 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nằm dọc các tuyến sông; trong đó, trên tuyến hữu Hồng có 85 bãi, tả Đuống 19 bãi, tả Hồng 16 bãi, hữu Đuống 12 bãi, Vân Cốc 7 bãi... Đáng chú ý, 119/152 bãi không có giấy phép, 71 bãi có xe quá tải ra - vào bãi và đi trên đê. Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, tập trung nhiều tại các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín... “Thực tế trên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông và công trình bảo vệ bờ sông mà còn trực tiếp cản trở dòng chảy thoát lũ, đe dọa an toàn hệ thống đê điều khi mực nước sông dâng cao...”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông lo ngại.
Tiến độ giảm độ cao, chất tải chậm so với yêu cầu, nhưng khi được hỏi, chủ bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở các xã: Đường Lâm, Xuân Đình, Vân Phúc... lại viện lý do tháng 5 và 6 có nhiều ngày mưa lớn nên chưa thể di chuyển toàn bộ khối lượng cát, sỏi ra khỏi bãi sông; việc tìm địa điểm di chuyển cũng khó khăn...
Quyết liệt xử lý
Trước thực trạng vi phạm trên, đại diện các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Thường Tín khẳng định đang tập trung chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở xử lý dứt điểm các bến bãi không có giấy phép. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các xã ven sông Hồng thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý đê kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Thời điểm này, chủ các bãi đã di dời hơn 60.000m3 cát ra khỏi khu vực bãi sông theo quy định. Huyện đã quyết định chấm dứt hoạt động 2 bãi tập kết vật liệu xây dựng ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Thống Nhất...”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, tháng 5 vừa qua, huyện đã đóng 12/14 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không có giấy phép, vi phạm chiều cao chất tải trong mùa mưa lũ. Tương tự, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Khuất Văn Học khẳng định, trong tháng 6 này, thị xã sẽ cưỡng chế giải tỏa đối với những bãi chứa không giảm chiều cao chất tải, vi phạm pháp luật đê điều, đất đai, xây dựng...
Để quản lý hiệu quả đất bãi sông, bảo đảm hành lang thoát lũ, an toàn hệ thống đê điều, các quận, huyện, thị xã đề nghị Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn các tập thể, cá nhân thủ tục cấp giấy phép đối với các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông...
Liên quan nội dung trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý, giải tỏa dứt điểm các bến bãi chất tải vượt chiều cao quy định, không đủ điều kiện, không phù hợp quy hoạch của thành phố, cản trở trực tiếp dòng chảy thoát lũ, nhất là trên các tuyến sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Cà Lồ, đoạn thuộc địa bàn các quận, huyện: Phúc Thọ, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoàng Mai, Tây Hồ...
Cùng với giải pháp trên, các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát và có phương án quản lý, sử dụng các khu vực bãi ven sông theo quy định; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đê điều, đất đai, xây dựng... Đây là hoạt động thiết thực nhằm phòng ngừa, ứng phó thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.