Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ổn định chính sách nhà ở xã hội

Nữ Quỳnh| 19/01/2013 06:22

(HNM) - Trong hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 (ngày 16-1), Bộ Xây dựng đã đưa ra một số "kịch bản" nhằm cứu thị trường bất động sản. Trong đó, chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp được nhắc đến như một giải pháp "cứu tinh".



Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tuyên bố: Năm 2013, người dân sẽ được mua nhà dưới giá thành. Nhưng, người thu nhập thấp có thể kỳ vọng gì, liệu họ có cơ hội mua được nhà hay không, vẫn bỏ ngỏ trả lời.

2012 là năm khởi động cho Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt tháng 11-2011, mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội. Trong 3 năm qua, đã có 54 dự án triển khai, 23 dự án đã hoàn thành đáp ứng cho gần 4,4 vạn người. Nhưng hết năm đầu tiên của giai đoạn nói trên (2011), số căn hộ cho người thu nhập thấp mới chỉ đạt… 1% kế hoạch. Và thực tế là sau nhiều năm triển khai chính sách nhà cho người thu nhập thấp, đến nay chúng ta vẫn nhùng nhằng trong vướng mắc vì cơ chế chưa rành mạch. Cơ quan chức năng đã có kiến nghị điều chỉnh, nhưng đến nay chưa thấy thông tin phản hồi.

Thực tế, nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này với nhiều ưu đãi. Tuy vậy, đến nay các doanh nghiệp vẫn than vãn chưa được hưởng chính sách ấy, dẫn tới tình trạng giá nhà ở xã hội vẫn cao. Còn với người dân, những quy chế bó buộc, thiếu bình đẳng khiến họ không mặn mà. Thống kê của một hãng bất động sản, tại Hà Nội có đến 94% căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 tỷ đồng. Như vậy các căn hộ này có thực sự là dành cho người thu nhập thấp.

Có lẽ, đến lúc nhà nước cần rành mạch: Một là, hỗ trợ tuyệt đối, tức là nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp mua được nhà thấp hơn giá thị trường; hai là, để cơ chế thị trường tự định đoạt, giá căn hộ sẽ thấp nhất thị trường thời điểm đó, phù hợp với đối tượng nghèo và doanh nghiệp vẫn có lãi (có thể là ít).

Dễ thấy những chính sách hiện nay đang tạo những khó khăn không đáng có với cả doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp chưa nhận được ưu đãi, còn người dân vẫn phải bỏ số tiền đến vài trăm triệu đồng, tương đương với giá thương mại, mới có hy vọng mua được "nhà thu nhập thấp", trong khi phải chịu nhiều ràng buộc, phiền phức như thủ tục phức tạp, 10 năm mới được sang nhượng, đã mua là bất di bất dịch (trong khi nhà thương mại có thể giảm giá theo thị trường), và dù họ có phải vay mượn để mua nhưng chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về nguồn vốn hay lãi suất… Hay đơn cử như khoản thu "phí bảo trì" 2%, người thu nhập thấp vẫn cứ phải đóng đủ như với bất cứ căn hộ thương mại bạc tỷ nào khác, dù với họ lo đủ tiền trả đã khó khăn lắm rồi… Dám chắc là với những "cơ chế ưu đãi" như vậy, và giá căn hộ lên đến gần tỷ bạc thì chẳng bao giờ người thu nhập thấp đủ khả năng. Đây chính là nguyên nhân của tình trạng người có nhu cầu mỏi mắt chờ, còn nhà ở xã hội vẫn ế, hoặc do người giàu sở hữu.

Vì thế, muốn ổn định thị trường, cần xây dựng một chiến lược nhà ở trên nền tảng giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh hơn nữa chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; để người nghèo tiếp cận các khoản vay dài hạn, các khoản vay tài chính vi mô và chi phí hạ tầng thấp; áp dụng cơ chế đứng tên tài sản hợp lý với thủ tục đơn giản hóa giúp cho đăng ký thế chấp dễ dàng; áp dụng các thủ tục cho vay mua nhà rõ ràng để thuận lợi cho xác minh nguồn gốc, định giá; người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận và chủ động thực hiện các quyền đối với tài sản của mình.

Việc ổn định chính sách một mặt tạo điều kiện để người thu nhập thấp có cơ hội mua được nhà, mặt khác cũng để chính sách rất nhân văn của nhà nước đi vào cuộc sống…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định chính sách nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.