Sáng 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Nhà giáo.
Khôi phục vị thế cao quý của nhà giáo
Thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) đặt ra vai trò chiến lược của giáo dục và đào tạo. Trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhà giáo được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa chiến lược. Người thầy được coi là chủ thể quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo.
Tổng Bí thư cũng đề nghị dự thảo Luật cần phải quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa thầy và trò, bảo đảm sự tương tác và hợp tác hiệu quả. Việc phổ cập giáo dục các cấp cũng đòi hỏi sự cân đối giữa số lượng thầy và số lượng trò. Bên cạnh đó, nhà giáo cần phải là những nhà khoa học, có trình độ chuyên môn sâu rộng, đáp ứng được các yêu cầu về nghiên cứu và giảng dạy. Cần có sự kết nối giữa nhà giáo, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đồng chí Tô Lâm cũng đề nghị dự thảo Luật cần phải đề cập đến vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của đội ngũ nhà giáo; Cần có những chính sách đặc thù, ưu đãi đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn để thu hút và giữ chân đội ngũ nhà giáo; tạo điều kiện cho nhà giáo được học tập, bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp suốt cuộc đời, không bị hạn chế bởi tuổi tác hoặc các quy định về thời gian công tác; cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của xã hội vào hoạt động giáo dục, đặc biệt là trong các môi trường đặc thù như trường ở vùng sâu, vùng xa, trại giam.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) nhận định, việc ban hành Luật Nhà giáo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo; khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo… Đại biểu cho rằng, đây là Luật mới, quy định về đối tượng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết những vấn đề xung đột pháp lý nếu phát sinh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần "tôn sư trọng đạo" trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo ngại, thời gian qua, ngành Giáo dục đã đối mặt với nhiều khó khăn, khiến tinh thần này bị suy giảm. Đại biểu đặt câu hỏi liệu Luật Nhà giáo có thể giải quyết được những thách thức mà giáo viên đang gặp phải trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là những mặt trái hiện nay.
Đại biểu Đoàn thành phố Hồ Chí Minh mong muốn, nghề giáo được khôi phục vị thế cao quý, để thầy, cô giáo nhận được sự tôn trọng xứng đáng từ xã hội. Về chính sách tiền lương, cho rằng nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ và sinh viên sư phạm mới ra trường, chưa thể sống đủ với thu nhập hiện tại, do đó đại biểu đề nghị, cần có thêm các chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như hỗ trợ và đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đại biểu mong muốn có chính sách lương hấp dẫn hơn để thu hút nhân tài vào ngành Giáo dục.
Nhà giáo cần được ưu tiên thuê - mua nhà ở xã hội
Thảo luận về các quy định cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo cần yêu cầu cao hơn để trở thành chuẩn mực, mẫu mực. Đại biểu nhấn mạnh, nhà giáo không chỉ mẫu mực trong nghề nghiệp mà còn trong mọi hoạt động xã hội; đối xử tôn trọng, công bằng với người học là điều đương nhiên mà còn khuyến khích người học, tất cả ý kiến người học cần được đánh giá cao để bảo đảm tư duy sáng tạo; nghĩa vụ tham gia nghiên cứu khoa học của nhà giáo cũng cần được xã hội tạo điều kiện về nguồn lực, kinh phí…
Bên cạnh việc cơ quan soạn thảo đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức, đại biểu Đoàn Hà Nội đề xuất, cần nghiêm cấm những hành vi không tôn trọng và xúc phạm nhà giáo… Đại biểu cũng đề nghị, giống như lực lượng vũ trang, cần quy định nhà giáo là đối tượng được ưu tiên thuê - mua nhà ở xã hội.
Cho biết dự thảo luật quy định “Khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc, bảo đảm có sự thống nhất cho các địa phương. Hiện, địa phương có điều kiện về ngân sách thì ban hành các chính sách riêng hỗ trợ nhà giáo, địa phương không có điều kiện về ngân sách thì không ban hành; điều này chưa bảo đảm sự thống nhất, thiếu công bằng giữa các nhà giáo đang công tác tại các địa phương.
Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định việc bảo lưu một số chính sách như phụ cấp thâm niên nhà giáo... đối với nhà giáo được điều chuyển về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi, ghi nhận quá trình cống hiến và động viên nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục.
Đại biểu Trần Văn Thức cũng đề nghị, nghiên cứu, bổ sung, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành nhằm thống nhất quy định cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về nhà giáo, trong đó quan trọng nhất là việc chủ trì tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá đội ngũ nhà giáo; xem đây là yếu tố quan trọng nhất nhằm giúp ngành Giáo dục thực hiện mục tiêu bảo đảm đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn giỏi, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Để bảo đảm giáo viên, giảng viên đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên, giảng viên trong tương lai. “Tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên có đầu vào rất thấp theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực”, đại biểu nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.