(HNM) - Làng nghề ở Hà Nội ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xả chất thải ra môi trường vẫn chưa được kiểm soát và xử lý thực sự hiệu quả. Đây là vấn đề “nóng”, các ngành chức năng và địa phương cần ưu tiên giải quyết, bởi càng để lâu, càng khó xử lý.
Nhiều làng nghề bị ô nhiễm
Xã Vân Từ (Phú Xuyên) hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Ông Đào Văn Túy ở xã Vân Từ cho biết: “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần, chính quyền địa phương cũng vào cuộc vận động các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường nhưng tình trạng đốt vải vụn vẫn xảy ra”.
Một "điểm nóng" khác về ô nhiễm môi trường là tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế (Hoài Đức). Tại đây, mỗi ngày sản xuất 80-100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.
Trong số hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề ở Thủ đô hầu hết đều phát sinh nước thải, tiếng ồn, khói bụi tác động xấu đến môi trường. Theo kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái nhìn nhận, nguyên nhân chính của tình trạng kể trên là do các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải. Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế...
Không sớm khắc phục sẽ càng khó khăn hơn
Thực tế cho thấy, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề nếu không được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt thì nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao và khó xử lý. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, chất thải làng nghề đang trở thành tác nhân của ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... Tình trạng này sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho môi trường và sức khỏe của người dân, các cấp, ngành chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu. Đối với huyện Phú Xuyên, trước mắt huyện yêu cầu các xã có làng nghề thống kê số lượng chất thải phát sinh trong ngày để ký hợp đồng với đơn vị thu gom xử lý ngay. Về lâu dài, huyện kiến nghị cần sớm di chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, bởi khi người dân đã ổn định sản xuất sẽ rất khó xử lý và tốn nhiều kinh phí.
Còn Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Bùi Thế Công cho biết, từ thực tế trên địa bàn nhiều năm qua cho thấy, việc các làng nghề xả chất thải trực tiếp ra kênh, mương đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện xác định, nếu để tình trạng ô nhiễm làng nghề càng lâu, sẽ càng khó xử lý. Vì vậy, các giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường làng nghề bền vững đang được huyện tập trung triển khai. Theo đó, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung; đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở.
Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy, nếu không giải quyết sớm và triệt để, việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề sẽ càng khó khăn và tốn kém. Hiện thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (8.000m3/ngày đêm), phấn đấu đưa vào vận hành cuối năm 2020; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xử lý nước thải làng nghề tại các xã: Vân Canh (Hoài Đức), Thanh Thùy (Thanh Oai), Phùng Xá (Mỹ Đức)... Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2025, thành phố sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và mục tiêu đến năm 2025, chất thải của các làng nghề đều được xử lý...
Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân sở tại thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.