(HNM) - Với sự tham gia của nhiều tác giả, nhóm tác giả trẻ, dòng chảy sách lịch sử, văn hóa dân tộc đang cho thấy sự khởi sắc. Tín hiệu đáng mừng này khẳng định người trẻ vẫn luôn quan tâm và có tình cảm sâu sắc với cội nguồn, lịch sử dân tộc.
Một điểm chung từ những cuốn sách về đề tài văn hóa, lịch sử của các tác giả trẻ là có lối kể chuyện hấp dẫn, cuốn hút cùng những phân tích sâu sắc, mang đến cái nhìn gần gũi hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc. Nói cách khác, những cuốn sách lịch sử của các tác giả trẻ đã không hệ thống hóa một cách hàn lâm, nặng về sử liệu, thống kê, mà cách tiếp cận là kể câu chuyện lịch sử, nhưng vẫn lột tả đậm nét bản hùng ca bi tráng, hào hùng trong bảo vệ, dựng xây đất nước của người Việt.
Điều đặc biệt nữa là với cách làm sách hiện đại, sáng tạo, tiếp cận những công nghệ mới theo xu thế, những tập sách nhỏ không chỉ lan tỏa đam mê đọc sách cùng niềm tự hào lịch sử dân tộc, mà còn mang đến cho độc giả những hình ảnh sinh động, chân thực, qua đó hình dung về đời sống của người Việt qua từng thời kỳ lịch sử. Những cuốn sách độc đáo như vậy đã, đang hình thành nên một phong cách làm sách mới nói chung và sách lịch sử, văn hóa nói riêng, góp phần quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc hiện nay.
Hiện nay, việc lan tỏa tình yêu với sử Việt, văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ là không dễ dàng trong bối cảnh xã hội đã, đang có nhiều loại hình giải trí hiện đại, hấp dẫn. Vấn đề càng khó hơn là thu hút giới trẻ tìm đến sách lịch sử, văn hóa dân tộc, trong khi việc viết sách về chủ đề này không hề đơn giản, đặc biệt với những tác giả trẻ. Đây chính là thách thức đặt ra cho người cầm bút, các nhà xuất bản, làm sao để thu hút độc giả, nhất là giới trẻ qua trang sách.
Viết về lịch sử, văn hóa dân tộc là một mảng sách rất thu hút, nếu tìm được hướng tiếp cận phù hợp, tạo nét hấp dẫn riêng cho các câu chuyện lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khi lịch sử, văn hóa Việt Nam được kể lại theo đúng cách mà các bạn trẻ yêu thích và được làm bởi những người trẻ sẽ thổi thêm làn gió mới vào thị trường sách hiện nay. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của người viết sách lịch sử, văn hóa dân tộc là phải có niềm say mê thật sự, tinh thần dấn thân, dành thời gian, công sức thỏa đáng để khảo cứu, thu nhận chất liệu từ quá khứ đến hiện tại, sáng tạo nên những tác phẩm thu hút, đáp ứng nhu cầu công chúng. Song song, các nhà xuất bản cần phối hợp với các tác giả trẻ để cho ra đời những cuốn sách về đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc dễ đọc, dễ nhớ, có phong cách hiện đại, phù hợp xu thế hiện nay là hấp dẫn cả phần “đọc” và phần “xem”.
Ở góc độ cơ quan quản lý, cần có nhiều hình thức khuyến khích người trẻ viết sách về đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc. Đó là tạo thêm nhiều sân chơi về sách; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sách lịch sử, văn hóa để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt, trong các nhà trường cần có những phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp cận kiến thức lịch sử một cách gần gũi, sinh động và hấp dẫn, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước từ chính những trang sách.
Tìm về và làm mới lịch sử, văn hóa dân tộc qua những trang sách phải bắt đầu từ niềm đam mê cùng sự nghiêm túc của người viết. Nuôi dưỡng tình yêu, đam mê viết sách, đòi hỏi người viết trẻ phải không ngừng học tập, sáng tạo, để mỗi tác phẩm làm ra đều có sức sống lâu bền, được độc giả đón nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.