(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 do cơ quan thuế quản lý đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của ngành Thuế nói riêng và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nói chung.
Một số yếu tố thuận lợi giúp nguồn thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 tăng. Đó là tháng 1-2022 rơi vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân cao. Bên cạnh đó, do thời gian nghỉ Tết Nhâm Dần “vắt” từ cuối tháng 1 sang đầu tháng 2, nên một số nguồn thu phát sinh cuối tháng 1 đã chuyển nộp trong tháng 2... Song, khách quan nhìn nhận, kết quả này đến từ sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, công tác quản lý thu, chống chuyển giá, trốn thuế; ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; thu hồi nợ đọng thuế... đã được các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai. Cùng với đó, các gói hỗ trợ của Nhà nước đã phát huy tác dụng, tiếp thêm nguồn lực giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, từ đó đóng góp cho ngân sách...
Mặt tích cực là vậy, nhưng từ nay đến cuối năm, còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với việc thu ngân sách. Đáng lo là dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lạm phát hiện hữu, tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn... Song, càng khó khăn thì nhiệm vụ thu ngân sách lại càng quan trọng, cả hệ thống chính trị càng phải cố gắng nhiều hơn!
Các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận hiệu quả những chính sách hỗ trợ phát triển nhà nước đã áp dụng thời gian qua. Từ đó, tiếp tục phát huy những cơ chế hiệu quả, bổ sung, điều chỉnh những vấn đề còn chưa sát thực tiễn, thiếu phù hợp. Đặc biệt, mọi điều chỉnh phải trên tinh thần thích ứng linh hoạt với diễn biến mọi mặt của tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, gắn liền với việc bảo đảm an toàn và kiểm soát dịch Covid-19.
Với diễn biến hiện nay, các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Thuế, Tài chính nhận diện đầy đủ các khó khăn trong triển khai giải pháp tăng thu; đưa ra dự báo chính xác tình hình kinh tế trong và ngoài nước để chủ động phương thức ứng phó. Có một yếu tố cơ bản, nằm trong sự chủ động của các cơ quan chức năng, đó là cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục đồng hành với người nộp thuế; triển khai thật hiệu quả các gói hỗ trợ về thuế, phí mà Chính phủ đã ban hành trong thực hiện chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Song song với giải pháp trên, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để chống thất thu thuế. Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra, chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Các bộ, ngành nghiên cứu, cơ cấu thuế sao cho hợp lý, đưa ra phương pháp tính thuế và thu thuế thuận lợi nhất nhằm tránh thất thu. Đặc biệt, chú trọng giải pháp quản lý thuế đối với các khoản thu tiềm năng, nhất là khoản thu trên nền tảng số, hoạt động thương mại điện tử, bất động sản...
Thực tế đòi hỏi việc thu ngân sách vừa phải hoàn thành chỉ tiêu được giao nhưng cũng vừa phải kích thích được nền kinh tế phát triển. Do đó, chỉ khi các giải pháp được thực hiện toàn diện, nguồn thu mới được nuôi dưỡng hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.