(HNM) - Trong khi các cơ quan chuyên môn còn đang tranh cãi về mức độ ảnh hưởng của chồn nhung tới cuộc sống con người thì hàng trăm hộ nuôi chồn nhung
Nuôi chồn nhung đen tại cơ sở của anh Lê Quang Trung (thôn 6 xã Thọ An, Đan Phượng). |
Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi chồn nhung quy mô 200 con của anh Lê Quang Trung, ở thôn 6, xã Thọ An (Đan Phượng). Ngoài ra, gia đình anh hiện đang nuôi hơn 1.000 con ở các cơ sở vệ tinh ở nhiều tỉnh khác nhau. Cơ sở đang bán với giá 400-800 nghìn đồng/cặp giống, giá thịt thương phẩm là 300 nghìn đồng/kg, lãi gấp 4-5 lần so với nuôi các loại gia cầm khác và đầu ra tương đối thuận lợi, phân phối khắp các tỉnh, thành phố ở cả hai miền Nam, Bắc. Hiện cơ sở đã nuôi được 5 năm, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 2 tấn thịt thương phẩm, thu lãi cả trăm triệu đồng. Theo anh Trung, nuôi chồn nhung tương đối lãi, bởi chi phí đầu vào thấp, trong quá trình nuôi chưa thấy bị dịch bệnh.
Theo thống kê của Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam, cả nước hiện nuôi khoảng 10.000 con chồn nhung, trong đó Hà Nội nuôi khoảng 3.000 con. Chồn nhung xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1995, nhưng đến năm 2007, Trung tâm giống Gia cầm Thụy Phương mới được Bộ NN&PTNT cho phép thử nghiệm loại vật nuôi này và phải tự bỏ kinh phí nghiên cứu. Do kinh phí eo hẹp và cũng sợ không có thị trường tiêu thụ, sau một thời gian, Trung tâm giống Gia cầm Thụy Phương không nuôi nữa. Đến năm 2009, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao cho Viện Chăn nuôi nuôi thử nghiệm chồn nhung. Tháng 10-2010 Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, đơn vị được Viện Chăn nuôi giao tiếp nhận nuôi thử nghiệm 52 cá thể chồn nhung với mục đích nhằm nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và khả năng sản xuất, khả năng nhiễm bệnh để xây dựng quy trình tạm thời chăn nuôi cho vật này song cho đến nay chưa có kết luận chính thức.
Mặc dù chồn nhung nuôi dễ và đã có nhiều người dân nuôi, nhưng vẫn chỉ là nuôi "chui". Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Chồn nhung đen chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp và chưa có kết quả của cơ quan chuyên môn báo cáo Bộ NN&PTNT. Chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực, tác hại và chưa có bất cứ kết luận nào về giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt của vật nuôi này.
Chính vì vậy, Cục đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường kiểm soát, hạn chế việc nuôi tự phát ở các địa phương; theo dõi, phát hiện các rủi ro về bệnh dịch của chồn nhung đen, báo về Cục Chăn nuôi để phối hợp xử lý. Một số cơ quan nhà nước cũng đang nuôi thử nghiệm con vật này nhưng chưa có đánh giá về kết quả. Do đó, Bộ NN&PTNT cần sớm có kết luận chính thức về loài chồn nhung có phải là loại động vật xâm hại hay không? Trước việc các công ty bán giá giống chồn nhung cao gấp 10 lần so với giá thị trường và cam kết thu mua, nhưng sau đó không mua, Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo, không khuyến khích phát triển rộng ở các địa phương.
Có thể thấy rằng, dù có nhiều thông tin trái chiều về việc nuôi chồn nhung, song trên thực tế vẫn đang có nhiều hộ nông dân làm giàu chính đáng từ việc nuôi chồn nhung bán giống và thương phẩm theo giá thị trường. Vì vậy, các ngành chức năng cần có thông tin rõ, kịp thời với người dân về loài vật nuôi này, nếu cho nuôi thì hướng dẫn cụ thể, nếu cấm phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.