(HNM) - Những năm gần đây, ngoài mối lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được đưa vào bếp ăn nhà trường, chất lượng nước uống cho học sinh cũng là nỗi lo thường trực của phụ huynh, học sinh. Mặc dù năm học nào, ngành GD-ĐT cũng ban hành kế hoạch, quy định thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có nước uống cho học sinh, song vẫn khó kiểm soát chất lượng nước uống tại các trường học.
Học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sử dụng nước sạch được đun sôi để nguội bảo đảm an toàn vệ sinh. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều quy định...
Năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.600 cơ sở giáo dục, hơn 1,7 triệu học sinh (HS) các cấp học. Để có được chất lượng giáo dục bền vững, toàn diện, ngành GD-ĐT Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học. Với tỷ lệ trẻ mầm non đến lớp đạt 100% ở trẻ 5 tuổi, 98% trẻ mẫu giáo, tỷ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 94%, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, bảo đảm chất lượng nước uống nói riêng cho HS tại trường học được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Chuẩn bị cho năm học 2016-2017, ngày 22-8-2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, yêu cầu 100% nhà trường có bếp ăn, căng tin thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm; ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng, trong đó có sản phẩm nước uống phục vụ HS. Cụ thể, những đơn vị sử dụng nước uống tinh khiết đóng chai, đóng bình phải ký hợp đồng và chỉ sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình của các cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT ngày 12-5-2016 về công tác y tế trường học cũng quy định rõ: Trường học cung cấp đủ nước uống cho học sinh, tối thiểu 0,5 lít về mùa hè, 0,3 lít về mùa đông cho một HS trong một buổi học. Trong trường hợp nhà trường sử dụng nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, thì các sản phẩm phải bảo đảm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành theo Thông tư 34/2010/TT-BYT.
Để đáp ứng nhu cầu của HS, những năm trước, một số trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động đun nước phục vụ HS, song không phải trường nào cũng có điều kiện làm việc này do không có bếp, nhất là những nơi không tổ chức cho HS ăn bán trú và học 2 buổi/ngày.
Trước đòi hỏi từ công tác chăm sóc sức khỏe cho HS tại trường, ngành GD-ĐT đã tham mưu cho thành phố ban hành quy định về danh mục các khoản thu khác, trong đó có khoản thu nước uống cho HS. Năm 2013, Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục công lập ra đời, có quy định nhà trường được phép thu tiền để mua nước uống phục vụ HS với mức trần 12 nghìn đồng/HS/tháng nên các trường học đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng nước uống đóng bình. Tình trạng thiếu nước uống, nước có nguy cơ mất an toàn, có mùi than, mùi ga... do tự nấu cơ bản được hạn chế.
Nước sạch, liệu có sạch?
Cần kiểm tra chất lượng nước uống nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh. Ảnh: Nhật Nam |
Với quy định mỗi HS cần ít nhất 0,3 lít nước một ngày, tính trung bình một trường có một nghìn HS, nhà trường cần tối thiểu 300 lít nước uống/ngày. Với khối lượng nước như vậy, không chỉ phụ huynh HS, mà cả ban giám hiệu, giáo viên luôn lo lắng về chất lượng nước uống. Bà Cảnh Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam - Angiêri (Thanh Xuân) cho biết: Nhà trường có hơn 1.600 HS, nhu cầu nước uống hằng ngày khá cao. Trước khi ký kết với đơn vị cung ứng, nhà trường tìm hiểu kỹ về quy trình sản xuất, các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và chất lượng sản phẩm. Trong quá trình sử dụng, cứ 6 tháng một lần, nhà trường lại gửi mẫu nước đi xét nghiệm. Thuận lợi của nhà trường là có phụ huynh làm ở nơi xét nghiệm, có chuyên môn về việc này, nên rất yên tâm.
Tuy nhiên, không phải nơi nào phụ huynh cũng được yên tâm như vậy. Theo bà Nguyễn Thu Anh, phụ huynh HS Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa), phụ huynh đặt trọn niềm tin ở nhà trường khi ký kết với đơn vị cung ứng nước về chất lượng vệ sinh, song sự thấp thỏm về chất lượng nguồn nước vẫn hiện hữu. Chiểu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nước uống đóng chai bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn phải bảo đảm các chỉ tiêu hóa học, vi sinh vật..., nhưng thực tế khó có thể kiểm định mức độ đáp ứng của nguồn nước tại trường.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngân, phụ huynh HS Trường THCS Thạch Bàn (Long Biên) cho rằng, khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào giấy chứng nhận của cơ sở cung cấp công bố. "Dù được gắn mác nước uống tinh khiết, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh, có giấy chứng nhận, nhưng khó có thể khẳng định nguồn nước ấy bảo đảm đủ các tiêu chuẩn như quy định, bởi để kiểm tra được các chỉ số phải có nhân lực, thiết bị và nằm ngoài khả năng của nhà trường" - bà Nguyễn Thị Ngân chia sẻ.
Ghi nhận tại các nhà trường còn cho thấy, ngoài mối lo về chất lượng nước uống, các dụng cụ như ca, cốc để HS dùng uống nước tại trường ở nhiều nơi cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mỗi HS Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) được sử dụng một chiếc cốc inox có đánh số riêng để uống nước. Song, đó chỉ là cá biệt, hầu hết các trường học trên địa bàn TP Hà Nội, mỗi lớp chỉ có một vài chiếc cốc dùng chung. Những HS không muốn dùng chung cốc thì đem nước ở nhà đi uống; không ít HS sợ bẩn, dù rất khát nước cũng không dám uống.
Rõ ràng, từ quy định về việc bảo đảm chất lượng nước uống đóng chai phục vụ HS tại trường đến việc kiểm tra, rà soát chất lượng, nhằm bảo đảm an toàn cho HS vẫn còn là một khoảng cách khá xa.
Phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để nhà trường tự lựa chọn đơn vị cung ứng bảo đảm an toàn chất lượng; kiên quyết không để các đơn vị cung ứng thực phẩm, nước uống không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm cung cấp dịch vụ ăn, uống cho nhà trường. (Kế hoạch công tác an toàn thực phẩm của ngành GD-ĐT Hà Nội năm học 2016-2017) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.