(HNM) - Theo lộ trình, cuối năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập và đây được coi là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. Là một bộ phận của lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, AEC có 4 thành tố chính gồm:
Cùng với việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp thông qua; thời điểm thực hiện những cam kết cao nhất theo WTO cũng không còn xa (năm 2017); sự kiện thành lập AEC được coi là mở ra cơ hội mới cho sự phát triển nền kinh tế nước ta. Mở cửa hội nhập càng sâu rộng thì kỳ vọng tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam càng lớn - Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế. Minh chứng cho điều đó, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương dẫn chứng: "Ví dụ rõ nét nhất là trường hợp tham gia TPP, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và GDP tăng thêm 36 tỷ USD vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia".
Lợi là thế, nhưng theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở thời điểm hiện tại, 76% DN trong nước không biết gì về AEC, 94% DN không hiểu rõ nội dung đàm phán, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi tham gia AEC... Đáng buồn khi những con số vừa nêu còn khả quan hơn rất nhiều so với kết quả khảo sát của một số địa phương, công ty tư vấn và hội ngành nghề. Lấy ví dụ, theo khảo sát của một công ty nước ngoài đối với 1.300 nhân sự cấp trưởng, phó phòng trở lên ở Việt Nam cho thấy, 41% không biết AEC là gì, hoặc giống như WTO, họ không nghĩ nó ảnh hưởng đến họ, đến DN của họ và họ cho đó là chuyện của Chính phủ. Điều này cho thấy, ngay những người được coi là nhân sự chuyên nghiệp cũng đang dửng dưng với những đổi thay cận kề ở ngay tại thị trường Việt Nam.
Hiện khối ASEAN đang đứng thứ tư trong các thị trường xuất nhập khẩu của DN Việt Nam. Trong khối này, nhìn chung khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam còn rất hạn chế cả về chất lượng và giá cả. Vậy nên không có gì là lạ khi DN của chúng ta kém mặn mà với thị trường này so với thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Tuy nhiên, thời hội nhập, chúng ta buộc phải chấp nhận "luật chơi" và "cách chơi". Và trong "cuộc chơi" đó nếu không thắng thì chỉ có hòa hoặc thua. Khi AEC chưa thành lập, tại thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, nhiều DN Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà, buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do sức cạnh tranh kém, tay nghề thấp, sản phẩm sản xuất có giá thành cao... Ấy chính là điều lo ngại khi thị trường khoảng 600 triệu dân của các nước Đông Nam Á chính thức vận hành. Như lo ngại của một số chuyên gia kinh tế, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì khi thành lập AEC, hàng hóa các nước ASEAN sẽ chiếm lĩnh thị phần của hàng Việt ngay tại thị trường trong nước, và số DN Việt Nam gặp khó khăn, thậm chí phải thu hẹp hoặc rời bỏ "cuộc chơi" sẽ gia tăng.
Phải chăng do "nước chưa đến chân", các DN của chúng ta chưa nhận ra thách thức đó nên còn mải mê dự tính ở những thị trường rộng lớn hơn mà không biết "sức nóng" đã cận kề? Hay rằng, truyền thông của chúng ta còn hạn chế do các cơ quan chức năng còn lo những việc đại sự nên giờ này các DN Việt Nam vẫn còn mù mờ thông tin về AEC?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.