Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII: Bốn dấu ấn nổi bật

Hiền Lương| 26/05/2023 06:13

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước đã để lại 4 dấu ấn cả về đối nội và đối ngoại.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Người lái thuyền chắc tay, tâm sáng

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua đã đưa ra nhận định về tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí đánh giá thế nào về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

- Với tư cách là người đảng viên và công dân, tôi nghĩ rằng, trong 2 năm vừa rồi, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra hết sức bài bản, với tinh thần quyết liệt và khẩn trương. Trước đây, Trung ương đều triển khai quyết liệt, nhưng sau Đại hội XIII thì tính chất quyết liệt, khẩn trương cao hơn và vì thế đất nước đã đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực, tôi cho rằng có 4 dấu ấn.

- Cụ thể là những dấu ấn nào, thưa đồng chí?

- Dấu ấn đầu tiên là thành công về kinh tế. Phải hiểu rằng, thành công này có được trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Năm 2021, đánh dấu Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,02%. Trong 216 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng trưởng cao từ 6% chỉ có khoảng 6 đến 7 nước nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, tôi cho là thành công.

Năm 2021, đánh dấu Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa

Dấu ấn quan trọng thứ hai là công tác đối ngoại. Trong dấu ấn này, có thành công đặc biệt của năm 2022, khi quan hệ Việt Nam với các nước anh em Lào, Campuchia ngày càng phát triển gắn kết chặt chẽ. Chưa có năm nào như năm 2022 mà lãnh đạo cấp cao của ba nước đến với nhau nhiều như vậy; Hà Nội - Viêng Chăn, Viêng Chăn - Hà Nội, Hà Nội - Phnôm Pênh, Phnôm Pênh - Hà Nội diễn ra rất nhộn nhịp.

Thành công thứ hai đã tạo nên dấu ấn đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta là ngoại giao trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Việt Nam. Vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng mới sang Việt Nam... Có thể thấy, cùng với duy trì quan hệ truyền thống với Nga, củng cố quan hệ với Trung Quốc, chúng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, châu Âu. Nếu như Việt Nam không có sức mạnh, không có bản lĩnh thì không thể làm được như vậy. Cho nên đây là dấu ấn đặc biệt, thành công lớn nhất.

Chính vì vậy, chúng ta kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng lên.

Dấu ấn thứ ba là trong bối cảnh khó khăn nhiều bề, nhưng nước ta vẫn bảo đảm được an ninh, quốc phòng. Người dân Việt Nam mặc dù chưa thật giàu có, nhưng về cơ bản được thụ hưởng cuộc sống bình yên, không xảy ra khủng bố, tội phạm được kiềm chế.

Dấu ấn thứ tư là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong 2 năm vừa qua và đặc biệt là 4 tháng đầu năm 2023, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thúc đẩy, được duy trì, được tiến hành một cách kiên trì, thường xuyên, kiên quyết với biện pháp mạnh mẽ, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Chúng ta đã đưa ra xử lý những vụ án lớn như vụ Việt Á, vụ chuyến bay “giải cứu”... Hơn thế, cái mới nhất của Đảng ta sau Đại hội XIII là gì? Đó là đã mở ra một cách cửa cho những cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp không hoàn thành nhiệm vụ xin từ chức. Đây là nội dung hoàn toàn mới, là sáng tạo trong hoạt động của Đảng. Đây cũng chính là công lao của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư - người lái con thuyền này - phải chắc tay lái và tâm sáng mới có thể làm được như vậy.

Công khai, minh bạch, cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm

- Nhưng còn hạn chế, khó khăn, thách thức thì sao khi thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra?

- Đúng thế, trước mắt chúng ta khó khăn còn nhiều. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine; thị trường thế giới bị thu hẹp, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, đơn hàng không có... Trong khi kinh tế nước ta dựa nhiều vào xuất khẩu cho nên tác động của hai vấn đề trên là rất lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý đặc thù, chịu tác động lớn từ các thách thức an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực. Xu hướng già hóa dân số nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh, an ninh mạng, biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... tác động ngày càng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.

Nói như thế để thấy rằng, trước khó khăn như vậy, thì mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước; đừng vội đưa ra những ý kiến không đúng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thấy được những mặt yếu kém do chủ quan, nội tại. Vừa rồi, đầu tư công, trong đó có đầu tư hạ tầng giao thông đều chững lại, do đâu? Tôi cho rằng, chúng ta dù đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế nhưng vẫn chưa triệt để. Trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn một bộ phận thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện nên đạo đức công vụ chưa cao...

- Vậy theo đồng chí, chúng ta phải chú ý điều gì để khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

- Theo tôi trong bối cảnh này chúng ta nên nghiên cứu thành lập một ủy ban cải cách kinh tế trực thuộc Chính phủ. Đây là mô hình mà một số nước đã làm và có hiệu quả. Ủy ban này sẽ giúp Chính phủ có cái nhìn tổng thể; chứ mỗi bộ đưa ra một nội dung cải cách thì chưa hiệu quả.

Thứ nữa, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trên cơ sở thành công vừa rồi, Trung ương, Bộ Chính trị cần quan tâm nhiều hơn đến khâu phòng ngừa; vấn đề trung tâm của phòng ngừa là giám sát quyền lực. Nên có một cuộc tổng rà soát hệ thống luật pháp để cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chừng nào chúng ta còn quy định chung chung thì rất khó xử lý; vì bản thân người đứng đầu họ cũng chưa ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đến đâu. Cho nên, quy định trách nhiệm, quyền hạn từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng đến chủ tịch UBND cấp tỉnh, giám đốc sở... đều phải rõ hơn.

Đồng thời, phải đưa việc huy động được người dân tham gia xây dựng Đảng đi vào thực chất, hiệu quả. Đặc biệt là phải thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực. Lịch sử đã chỉ ra rằng, người ta ăn vụng trong bóng tối chứ không ăn vụng giữa ban ngày. Cho nên hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan hành pháp, các dự án kinh tế cần phải công khai minh bạch lấy ý kiến người dân.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII: Bốn dấu ấn nổi bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.